Văn hóa, đạo đức là nền tảng phát triển bền vững

09:55:49 | 13/1/2023

Văn hóa kinh doanh (VHKD) có vai trò như phương thức phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, là nguồn lực và điều kiện quan trọng thúc đẩy kinh doanh quốc tế.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề ra định hướng “Tiên phong xây dựng VHKD Việt Nam trở thành nền tảng phát triển bền vững, đem lại giá trị cho từng doanh nghiệp, doanh nhân, cho xã hội, hôm nay và cho các thế hệ mai sau; thúc đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam văn minh, hội nhập và ngang tầm với thế giới” và xác định xây dựng VHKD Việt Nam là một trong ba đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Lựa chọn duy nhất

VHKD được cấu thành từ đạo đức doanh nhân, niềm tin kinh doanh, triết lý kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa truyền thông về kinh doanh, văn hóa tiêu dùng,… Như vậy, có thể hiểu VHKD là cái đích cần hướng tới, nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi nhận thức của doanh nhân còn chưa đồng nhất về các vấn đề cơ bản, thì trước hết cần tạo sự thống nhất nhận thức chung về các giá trị đạo đức mà doanh nhân cần tuân thủ. Doanh nhân là yếu tố cốt lõi, có vai trò quyết định trong xây dựng và định hình VHKD của một doanh nghiệp, nên việc xây dựng đạo đức doanh nhân sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng VHKD của doanh nhân, doanh nghiệp và xa hơn nữa là VHKD quốc gia.

Đặc biệt trong bối cảnh nhiều bất ổn, khó lường và thách thức chưa từng có trong tiền lệ đang và sẽ diễn ra, cũng như những yêu cầu mới của hội nhập quốc tế,… phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất, cũng là định hướng chung đã được cộng đồng quốc tế và Việt Nam thống nhất và cam kết theo đuổi thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (hay còn gọi là Agenda 2030) vào năm 2015. Chính phủ đã cụ thể hóa Agenda 2030 thành một Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đó, không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Ngược lại, chính doanh nghiệp cũng cần phát triển kinh doanh theo hướng bền vững để tồn tại và tăng trưởng trong dài hạn. Đó là mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời. Do đó, xây dựng đạo đức doanh nhân và VHKD Việt Nam gắn với phát triển bền vững doanh nghiệp là một yêu cầu hết sức cần thiết, quan trọng và ý nghĩa.

Khi phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất thì kinh doanh có trách nhiệm cũng trở thành “kim chỉ nam” cho mỗi doanh nhân. Doanh nhân làm kinh tế luôn mong muốn tạo ra lợi nhuận, đó là mong muốn chính đáng, cơ bản, nhưng, kinh doanh vị lợi nhuận giờ đây không còn là lựa chọn tối ưu. Vậy khi không làm kinh tế bằng mọi giá, không đặt lợi ích kinh tế là duy nhất, thì người doanh nhân sẽ chèo lái con thuyền doanh nghiệp theo hướng đi nào? Câu trả lời là: Đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vào trong văn hóa và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đã trở thành yêu cầu bắt buộc xuất phát từ chính những thách thức khổng lồ mà nhân loại đang phải đối diện do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học. Theo đó, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang kinh doanh tuần hoàn, kinh doanh phi carbon được xem là một giải pháp ưu việt và toàn diện cho nền kinh tế thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế khu vực ASEAN và Đông Á, theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế trị giá 324 tỷ USD và 1,5 triệu việc làm đến năm 2025, chỉ tính riêng tại châu Á.

Ngay sau những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) của Thủ tướng Chính phủ về đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, giảm phát thải metan toàn cầu, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch,… Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết trước cộng đồng quốc tế.


Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao giải Doanh nghiệp bền vững năm 2022

Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Cùng với đó, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng vào giảm phát thải carbon, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Tăng cường hợp tác công – tư (PPP) và chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh hơn hành trình xây dựng nền kinh tế xanh. Thời gian tới, VCCI, với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) sẽ triển khai các sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các doanh nghiệp kinh doanh bền vững tiêu biểu.

Cần nhấn mạnh rằng phát triển xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng cũng chính là tạo ra sự phát triển cho doanh nghiệp. Có thể nói: Trách nhiệm xã hội (CSR) chính là tiền thân của “doanh nghiệp phát triển bền vững”. Cách đây khoảng 20 năm, cộng đồng doanh nghiệp đã manh nha biết đến và thực hiện CSR. Khi đó, VCCI đã tiên phong thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện CSR. Ngay từ năm 2005, VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, để khuyến khích và biểu dương các doanh nghiệp làm tốt CSR. Giờ đây, nguồn vốn xã hội, nguồn vốn con người – 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững doanh nghiệp, đã được mở rộng hơn. Nhắc đến khía cạnh xã hội trong văn hóa kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, chúng ta cũng cần nhắc đến yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm (D&I).

Có rất nhiều lợi ích khi gắn kết đa dạng, hòa nhập và bao trùm trong văn hóa doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có văn hóa đa dạng, hòa nhập cũng cho thấy sức chống chịu, phục hồi sau khủng hoảng nhanh hơn các doanh nghiệp khác. Ở phạm vi ngoài doanh nghiệp, tính bao trùm trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện khi doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội; thúc đẩy sự tham gia của các nhóm liên quan như đối tác, nhà cung ứng, khách hàng, đặc biệt là các nhóm yếu thế; từ đó giúp giải quyết các thách thức trong xã hội, cải thiện đời sống cộng đồng.

Giải pháp cho doanh nghiệp

Để đảm bảo phát triển bền vững doanh nghiệp, trước hết, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần quan tâm, xây dựng, bồi đắp tính liêm chính trong kinh doanh. Mỗi doanh nhân cần chuyển đổi trong tư duy, nhận thức về kinh doanh. Tư duy luôn quyết định hành động. Gắn kết liêm chính vào văn hóa, vào DNA của doanh nghiệp. Kinh doanh liêm chính sẽ không thể trở thành một phần tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp nếu nó không nằm trong tư duy và quyết tâm hành động của Ban lãnh đạo cấp cao nhất trong doanh nghiệp. Hãy nghiên cứu và áp dụng Chỉ số Kinh doanh liêm chính (VBII) để tự đánh giá, đo lường về tính liêm chính, minh bạch trong kinh doanh và công bố thông tin.

Đồng thời, tăng cường và chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp bền vững hơn nữa. Cùng với VBII, VCCI đã xây dựng thành công và giới thiệu Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) đến cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2016, hướng dẫn các doanh nghiệp tự đánh giá “tính bền vững” của mình trên các phương diện quản trị - kinh tế - xã hội - môi trường, từ đó thực hành quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. VBII và CSI là sự kết hợp hoàn hảo cho doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh bền vững, tạo ra “chiếc áo giáp” bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro trong bối cảnh nhiều khủng hoảng và thách thức hiện nay. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp hãy tích cực nghiên cứu và áp dụng VBII, CSI ngay bây giờ, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó xây dựng nền móng phát triển vững chắc cho chính doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược sản xuất kinh doanh. Lấy con người làm trung tâm cũng chính là tinh thần của Chương trình nghị sự toàn cầu 2030 nói chung và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ nói riêng. Thúc đẩy văn hóa đa dạng, hòa nhập và bao trùm một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn. Thúc đẩy tính đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những thử thách chưa từng có trong tiền lệ, do đó cần tư duy vượt ra khỏi tiền lệ, tạo ra những giải pháp mới cho những thử thách mới.

Bên cạnh đó, cần tích cực tận dụng sức mạnh công nghệ, chuyển đổi số để tối ưu hóa năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Và cuối cùng, dù mỗi doanh nghiệp đều là những miếng ghép riêng lẻ, có thể cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhưng khi ghép vào bức tranh chung, các doanh nhân, các doanh nghiệp đều là những mảnh ghép không thể tách rời. Chúng ta tin tưởng rằng, khi có sự chung tay, gắn kết của cộng đồng doanh nghiệp cả từ trong tư duy, nhận thức cũng như hành động cùng được soi sáng bằng nền tảng đạo đức doanh nhân, VHKD thì “đoàn quân” doanh nghiệp Việt sẽ “cùng tiến lên” xây dựng nước non Việt Nam “vững bền”.

Nguyễn Quang Vinh, MBA

Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)

Nguồn: Vietnam Business Forum