Kinh tế Việt Nam năm 2022: Phục hồi nhanh hơn dự kiến

07:23:58 | 17/1/2023

Thật không quá nếu nói rằng năm 2022 là một năm nhiều rủi ro, thách thức nhất đối với kinh tế toàn cầu. Thế giới vẫn chưa thoát khỏi những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 thì đã phải hứng chịu những rủi ro, bất ổn do tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực và khủng khoảng năng lượng khiến cho lạm phát tăng cao. Ngân hàng trung ương các nước phải thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Để đối phó với lạm phát đang gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục nâng lãi suất. Quyết định nâng lãi suất của FED đã làm đồng đô-la Mỹ mạnh lên, và các đồng tiền nội tệ của các quốc gia khác bị yếu đi, tác động đảo ngược dịch chuyển dòng vốn trên thị trường tài chính thế giới. Đã có hiện tượng dòng vốn bị hút ra khỏi thị trường trái phiếu của nhiều nước.

Động thái quyết liệt thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến không chỉ làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại, mà còn đe dọa sự ổn định của tài chính toàn cầu. Việc duy trì chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc cũng làm cho sự đứt gãy chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.

Trong bối cảnh đầy bất ổn từ môi trường bên ngoài đó, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm qua. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực và thế giới. Những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế linh hoạt và thận trọng đã đem lại những thành tựu rất ấn tượng về kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn kỳ vọng.

Sự thay đổi linh hoạt của Chính phủ trong phòng, chống đại dịch Covid-19, kiểm soát đại dịch hiệu quả và tốc độ bao phủ vaccine nhanh đã cho phép Việt Nam mở cửa toàn bộ nền kinh tế từ đầu tháng 3/2022. Hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại-dịch vụ hồi phục và tăng trưởng, tạo nên lực đẩy cho nền kinh tế. Đà tăng trưởng được duy trì nhờ các cân đối vĩ mô vững chắc, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của hầu hết các ngành kinh tế.

Trong thời gian qua, những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam trong điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ rất đáng được ghi nhận. Chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng cùng với việc thực hiện các biện pháp quản lý giá của Chính phủ đối với các mặt hàng thiết yếu đã góp phần kiểm soát lạm phát hiệu quả. Lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế làm đòn bẩy duy trì đà tăng trưởng. Nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam được kiểm soát tốt ở dưới mức luật định, cùng với thặng dư ngân sách đã tạo vị thế tài khóa vững chắc để hỗ trợ đắc lực cho kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố rủi ro từ bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những “điểm nghẽn” từ các vấn đề nội tại, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng trưởng. Đó là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các khoản chi xã hội còn chậm so với kế hoạch, mặc dù Chính phủ đã đôn đốc quyết liệt. Tiếp đến là các vấn đề của thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán đã bộc lộ những bất cập trong quản lý cần phải xử lý rốt ráo để ổn định thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Cuối cùng là những vấn đề trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với lực lượng lao động. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã có cả trăm ngàn lao động trở về quê hương, không chỉ gây xáo trộn trong thị trường lao động, việc làm, mà còn tạo ra áp lực rất lớn cho các cấp quản lý trong việc sắp xếp việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Với đà phục hồi mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2023. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 do nhu cầu ở các thị trường lớn yếu đi và các hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng vì lãi suất cao hơn. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% (điều chỉnh giảm từ mức 6,7% được ADB công bố hồi tháng 9/2022) và lạm phát ở mức 4,5% trong năm 2023.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast

Trong năm 2023, các cân đối vĩ mô tiếp tục được kiểm soát. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước cùng với việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều nước trong khu vực và thế giới sẽ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. Sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện là những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Những yếu tố rủi ro, bất ổn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Lạm phát toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt. Bên cạnh đó, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ dần mở cửa nền kinh tế. Đây có thể nói là một tin tốt cho ngành xuất khẩu của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư - thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc sẽ được khơi thông.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2023, NHNN được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Trong bối cảnh lạm phát vẫn có xu hướng gia tăng, dư địa của chính sách tiền tệ vẫn còn nhưng không nhiều. Vì vậy cần đẩy mạnh chính sách tài khóa để hỗ trợ nhiều hơn cho chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa phải ở vị trí tiên phong vì còn nhiều dư địa và phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài việc nới tín dụng ngân hàng đối với các lĩnh vực được ưu tiên, Việt Nam cũng cần tháo gỡ những vấn đề của thị trường vốn để khơi thông kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm áp lực tín dụng ngân hàng. Những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán cần được xử lý để không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của thị trường tài chính.

Do nhu cầu của các thị trường lớn bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì thiếu đơn đặt hàng. Nhiều lao động sẽ có nguy cơ thiếu việc thậm chí mất việc làm. Vì vậy, cần tăng cường các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng lao động. Việc triển khai các biện pháp an sinh xã hội tốt sẽ có tác dụng như một liều vaccine gia tăng sức chống chịu cho lực lượng lao động, hạn chế những tác động tiêu cực từ các cú sốc từ bên ngoài có thể xảy ra trong năm 2023.

Với những nỗ lực của Chính phủ, nền tảng vĩ mô vững chắc và một cộng đồng doanh nghiệp rất năng động, chúng ta có nhiều cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ổn định trong năm 2023.

Nguyễn Minh Cường

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam

Nguồn: Vietnam Business Forum