09:33:04 | 13/2/2023
Theo Bộ Công Thương, năm 2023 mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch xuất khẩu từ 393-394 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nước vẫn có những điểm tựa tích cực, trong đó có hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi, tiếp tục tạo thuận lợi để hàng hóa gia tăng giá trị xuất khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi thuế quan, tạo thêm động lực cho sản xuất.
Nắm bắt thông tin thị trường
Mặc dù vậy, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023 ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, tình hình xuất khẩu còn bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển. Những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao.
Bám sát tình hình thị trường ở các nước nhập khẩu, các tham tán thương mại cũng thường xuyên cập nhật thông tin mới cho các doanh nghiệp trong nước. Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, ngày 27/1/2023, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/01/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại Canada như nhóm sản phẩm chè, cà phê và gia vị có mức tăng đột biến so với năm 2021. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada đã nhập khá nhiều quế có nguồn gốc từ Việt Nam (kim ngạch 8,6 triệu USD), với mức tăng 43,3%, Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới. Đối với mặt hàng dệt may, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với 2021, đạt 30,1%. Tuy nhiên, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao.
Đối với thị trường Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý về vấn đề bảo vệ môi trường vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu. Xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng tại thị trường Bắc Âu, vì vậy, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam cần lưu ý vấn đề này.
Song song với các thị trường truyền thống, các thị trường mới như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là thị trường đặc thù, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước nên có nhu cầu nhập khẩu cao. Theo ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar), Việt Nam cần tranh thủ xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như thủy sản; nông sản (chanh không hạt, thanh long, dưa hấu, dừa tơi, quả bưởi, hạt điều, hạt tiêu); túi xách, vali, ví; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện vì hiện nay quy mô thị trường mặt hàng này rất lớn. Cần lưu ý UAE là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt về giá và chất lượng, thường ưu tiên nhập giá thấp hơn.
Giải pháp trọng tâm cho xuất khẩu
Một trong những giải pháp hiệu quả đẩy mạnh xuất khẩu là công tác xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý, công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai đa dạng, chuyên sâu và hiệu quả hơn, không chỉ là các hoạt động xúc tiến xuất khẩu mà còn xúc tiến nhập khẩu, xúc tiến đầu tư nhất là đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến. Đồng thời có đánh giá, nhận xét những hội nghị đã tổ chức nhằm rút kinh nghiệm và phát huy hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 100 đề án; hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại và hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện xúc tiến thương mại. Năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được phê duyệt 76 đề án phát triển ngoại thương.
Đưa ra các giải pháp tổng thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra nhóm 6 giải pháp. Thứ nhất, cơ quan chức năng thuộc Bộ và các Cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn cần phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chiến lược, Kế hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội… để có kế hoạch cụ thể, phù hợp, khả thi trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Song song với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị các cơ quan tham tán cần chú trọng nắm bắt chủ trương, chính sách mới của nước sở tại; tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, xác định đúng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường; chú ý kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung ứng vật tư nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm có sẵn và phát triển sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.
Về thị trường, Bộ trưởng lưu ý việc duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới (như các thị trường Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh) để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới. Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường sự phối hợp với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các bộ ngành có liên quan, các hiệp hội ngành hàng… để có thể khai thác tốt hơn hơn thế mạnh các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản, kể cả những mặt hàng nguyên liệu hay những mặt hàng đã qua chế biến.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI