Rau quả xuất khẩu: Tiềm năng rộng mở năm 2023

14:09:50 | 16/1/2023

Trái ngược với những tháng đầu năm 2022 khi nhiều thị trường hầu như đóng băng vì dịch bệnh COVID-19, những tháng cuối cùng của năm, ngành rau quả đã chứng kiến cú "chạy nước rút" với tăng trưởng mạnh mẽ từ nhiều thị trường mới.


Sầu riêng được làm sạch để đóng gói xuất khẩu - Ảnh minh họa

 

Xuất khẩu rau quả tăng tốc vượt mốc 3 tỷ USD

Rau quả lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng vì chính sách "Zero Covid" nên cho đến tháng 7/2022, ngành rau quả vẫn chỉ ghi nhận giá trị xuất khẩu âm so với cùng kỳ 2021. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này giảm tới 17,3% với kim ngạch 1,7 tỷ USD.

Ngành hàng rau quả bắt đầu ghi nhận tăng trưởng dương năm 2022 vào tháng 8 với con số khá ấn tượng, tăng tới 19,7% so với cùng kỳ 2021. Những tháng tiếp theo đó, xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng trưởng dương. Nhờ vậy, đến hết năm 2022, xuất khẩu rau quả vẫn kịp vượt mốc 3 tỷ USD khi đạt 3,365 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với năm 2021. 

Với việc giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngành rau quả lại chứng minh sức sống bền bỉ khi tình hình dịch bớt căng thẳng và đã tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác như Mỹ (tăng 14,4% trong 11 tháng năm 2022), Hàn Quốc (tăng 14,1%), Thái Lan (tăng 19,7%), Nhật Bản (tăng 7,3%), Hà Lan (tăng 47,2%), Australia (tăng 5,5%)…

Rau quả là một trong số ít những ngành hàng tăng trưởng âm so với năm 2021 của ngành nông nghiệp, tuy nhiên ngành hàng này vẫn đón nhận nhiều tin vui từ việc mở cửa thị trường cho nhiều chủng loại trái cây chủ lực.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết trong năm 2022, diện tích cây ăn quả đã đạt 1,21 triệu ha, tăng 41.300 ha; sản lượng khoảng 18,68 triệu tấn. Sản lượng và chất lượng hầu hết các cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: Xoài 1,022 triệu tấn, tăng 2,25%; thanh long trên 1,197 triệu tấn, giảm 13,7%; bưởi 1,1 triệu tấn, tăng 6,73%; vải 376.000 tấn, tăng 1,2%; sầu riêng 836.300 tấn, tăng 24,1%; dứa trên 738.000 tấn, tăng 1,65%; chuối 2,48 triệu tấn, tăng 5,5%.

Nhiều tiềm năng tăng trưởng năm 2023

Năm 2022, thị trường Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho sầu riêng Việt Nam. Ngay sau khi mở cửa chính ngạch, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đã đứng ở vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu trong nhóm các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt chỉ riêng trong tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã tăng tới 91,5% so với cùng kỳ 2021. Trung Quốc cũng cấp thêm 37 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Cũng trong năm 2022, Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho khoai lang Việt Nam; trái bưởi Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ; Nhật Bản mở cửa cho quả nhãn Việt Nam, quải chanh xanh được xuất khẩu sang New Zealand… Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm tới.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành NN&PTNT ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết để thúc đẩy xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, nhất là Trung Quốc.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm đối với trái cây khá lớn.

Hiện nay, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu. Cùng với đó, việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan.

Ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh: "Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, Bộ NN&PTNT rất mong doanh nghiệp ngành rau quả tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường".

Nguồn: baochinhphu.vn