Dấu ấn xuất khẩu Kỷ lục mới - Thách thức mới

14:49:42 | 10/1/2023

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 dự kiến cán mốc 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước, đây là mốc kỷ lục mới được ghi nhận. Đặc biệt, cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm trước.


Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD

Dấu ấn xuất khẩu và áp lực mới

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng khoảng 10,5%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD, tăng 04 mặt hàng so với năm 2021, trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt.

Kết quả tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 chính là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô, thể hiện sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, nắm bắt cơ hội, cũng như khai thác hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, bối cảnh mới đã xuất hiện nhiều khó khăn và ẩn số khó đoán định. Theo thông tin sơ bộ, tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 của một số ngành hàng như tiêu dùng, dệt may, da giày đang gặp nhiều khó khăn.

Trong các ngành xuất khẩu mũi nhọn, dệt may có kim ngạch đạt 44 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 47 tỷ USD. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, 6 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh. Đến quý IV, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu.

Đối với ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và 22,2% so với kế hoạch. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1-4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13%; cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng 70%. Mặc dù các chỉ tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản đều đạt và vượt mức Chiến lược xây dựng và phát triển ngành thủy sản đề ra, tuy nhiên, Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, năm 2023, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những bài toán về chậm, hoãn giao hàng, chi phí bảo quản, lưu kho cao, thiếu vốn,… Những thách thức này sẽ tác động đến việc thu mua nguyên liệu cho nông dân, người dân cũng “khát” vốn cho việc đầu tư nuôi trồng vụ mới. Khó khăn chồng chất khó khăn có thể tạo ra hiệu ứng domino kéo lùi tăng trưởng của ngành thủy sản.

Bên cạnh khó khăn về đơn hàng, theo Bộ Công Thương, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường, tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm,...


Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may có sức mua suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2022

Hướng tới tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt xu hướng theo yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Theo đó, hiện nay bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết, ngay trong các sản phẩm về tiêu dùng cũng đặt ra tiêu chuẩn xanh và yêu cầu xanh hóa rất cao. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, ảnh hưởng không những đến các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu quy mô vừa và nhỏ.

Ngoài ra, một số thị trường hiện nay như EU dự kiến áp thêm các dòng thuế mới liên quan đến môi trường, gọi là thuế carbon - sản phẩm nào tiêu tốn nhiều năng lượng, hoặc không có giải pháp trung hòa phát thải thì chịu thêm sắc thuế. Đây là yếu tố rất mới, các doanh nghiệp cần lưu ý, nghiên cứu và có giải pháp xử lý.

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, nguyên liệu luôn là khâu đầu trong thực hiện "xanh hóa" như yêu cầu của Mỹ và châu Âu đặt ra. Do vậy, Vinatex đã tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Tỷ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm từ 30-35% trong tổng sản lượng. Đồng thời các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), để đáp ứng quy định chứng minh quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cũng cần phải tham gia đào tạo, thực thi. Ngoài ra, đối với các điều kiện liên quan đến phát triển bền vững (môi trường, an toàn lao động,…), các doanh nghiệp cũng phải cải tiến, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU.

Với những mục tiêu đã đề ra cùng quyết tâm khắc phục hạn chế, yếu kém, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều giải pháp như: Chủ động rà soát, tham mưu các cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Tranh thủ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, đẩy mạnh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, bán dẫn và các ngành có giá trị gia tăng cao.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)