07:06:17 | 16/2/2023
Giữ vai trò là một trong những mũi nhọn giàu tiềm năng, có thể tăng trưởng với tốc độ cao, ngành Công Thương được kỳ vọng gánh vác trọng trách tạo bước đột phá, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Với những dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã và đang đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Bức tranh nhiều gam màu sáng
Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk đạt được những kết quả khá khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 22,23% so với năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt hơn 17.100 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, mạng lưới điện tiếp tục phát triển. Trong năm 2022, trữ lượng nước ổn định, đủ để các nhà máy thủy điện trên địa bàn hoạt động đúng công suất; các dự án năng lượng tái tạo hoạt động ổn định. Những yếu tố đó giúp ngành công nghiệp sản xuất điện của tỉnh năm 2022 thực hiện đạt hơn 7.300 triệu Kwh, đạt 6,7% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt hơn 93.000 tỷ đồng, đạt 102,8% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành Công Thương và các doanh nghiệp đã chủ động hàng hóa để đảm bảo cung cấp cho người dân với nguồn cung khá dồi dào; một số mặt hàng nhu yếu phẩm tương đối ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của Đắk Lắk là 1.500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 30,4% so với năm 2021. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh đồng thời việc tích cực chuyển đổi số để thích ứng trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Giá cà phê tiếp tục giữ ở mức trên 40 triệu đồng/tấn, tỷ trọng cà phê hòa tan tiếp tục được gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng khác như hạt tiêu, cao su, chỉ thun,… tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, cũng có một số mặt hàng mới xuất khẩu như: mắc ca sấy, ca cao, trái cây cấp đông, trái cây sấy dẻo,…
Chủ động nắm bắt cơ hội
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025. Với quan điểm thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có tính bền vững, hỗ trợ phát triển công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xuất khẩu, ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Trên cơ sở nhận định sát tình hình thị trường, tiềm năng, cơ hội và thách thức của ngành, năm 2023 ngành Công Thương Đắk Lắk đặt chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 95.300 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.600 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2022.
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08 của Bộ Công Thương về tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn. Song song đó, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Kêu gọi đầu tư vào các dự án tiềm năng của ngành, phù hợp với chương trình kế hoạch hành động của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, tăng cường kết nối giao thương trong và ngoài nước.
Ngành Công Thương được đánh giá là một trong những mũi nhọn giàu tiềm năng, có thể tăng trưởng với tốc độ cao, được kỳ vọng gánh vác trọng trách tạo bước đột phá, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh nên được cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Với tiềm năng, lợi thế rất lớn về nguồn nguyên liệu nông lâm sản, khoáng sản, nguồn năng lượng thủy điện, điện gió, điện mặt trời,…và việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển sẽ là động lực quan trọng để Đắk Lắk có thể đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng đề ra.
Duy Hạnh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI