09:44:05 | 13/2/2023
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt mức trên 6%. Tốc độ tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng năng suất và hiệu ứng quần tụ do quá trình đô thị hóa nhanh chóng mang lại, tuy nhiên quá trình này cũng đi kèm với một số thách thức mới.
Áp lực từ đô thị hóa
Tỷ lệ dân số sống ở các thị trấn và thành phố đã tăng từ dưới 20% vào năm 1986 lên hơn 36% vào thời điểm hiện tại, tương đương khoảng 36 triệu người. Hiện nay, các đô thị này đóng góp trên 50% GDP quốc gia. Trong quá trình đô thị hóa, Việt Nam được hưởng lợi nhờ tận dụng hiệu quả của nền kinh tế quần tụ để tăng trưởng, thông qua việc sử dụng tài khóa, đất đai, lao động và các nguồn lực khác…
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng, quá trình đô thị hóa của Việt Nam hiện đang ở thời điểm mang tính chất bước ngoặt khi phương pháp tiếp cận phát triển đô thị hiện tại đang dần chạm đến giới hạn của nó. Các nhà hoạch định chính sách có thể chọn lộ trình “dễ đi” hơn, bằng cách tiếp tục các chính sách không gian hiện tại (đã mang lại kết quả tốt trong những thập kỷ gần đây), nhưng điều này có thể sẽ làm tăng chi phí đối với các triển vọng phát triển dài hạn do ngày càng có nhiều thách thức. Hoặc Việt Nam cũng có thể chọn lộ trình “khó đi” hơn, định hình lại phương pháp tiếp cận và áp dụng một chiến lược, trong đó đặt việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững làm trọng tâm, để đảm bảo quá trình đô thị hóa của Việt Nam luôn thành công trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Đặc biệt, áp lực cung cấp dịch vụ đối với chính quyền các thành phố đang ngày càng tăng. Để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, chính quyền các thành phố thường tập trung vào nhanh chóng xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và dịch vụ mà không tính đến rủi ro khí hậu hoặc tính bền vững. Ngoài ra, còn có nhiều điểm bất cập về chính sách, cơ chế và năng lực trong việc lồng ghép hiệu quả các vấn đề về khí hậu và khả năng chống chịu vào quy hoạch đầu tư vốn. Kết quả là các khoản đầu tư được ưu tiên đi chệch hướng so với lộ trình bền vững và các-bon thấp, đồng thời không tận dụng được các cơ hội tiềm năng để thu được lợi ích tài chính.
Giải quyết các thách thức
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 6 về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết quan trọng này là công cụ xác định tầm nhìn, nền tảng và định hướng cho những năm tới, định hướng đất nước phát triển đô thị thông minh, xanh và bền vững giai đoạn 2030-2045. Nghị quyết cho phép các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp xây dựng một phương pháp tiếp cận quốc gia tổng thể - kết hợp các chính sách, quy định phối hợp sắp xếp thể chế và các chương trình đầu tư - để giải quyết các thách thức đô thị ngày càng phức tạp và phối hợp hiệu quả các giải pháp đa ngành.
“Nếu Việt Nam thực hiện hiệu quả nghị quyết quan trọng này sẽ là chìa khóa thành công cho việc phát triển trong thời gian tới”, bà Carolyn Turk khẳng định. Bên cạnh đó, bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam cũng nên tham khảo một số bài học được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, cần củng cố thể chế và nâng cao năng lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cách tiếp cận đối với phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu. Sự thay đổi này đòi hỏi quy hoạch không gian tích hợp phải có cân nhắc đến vấn đề khí hậu và cho phép các bộ, ban, ngành phối hợp với nhau trên nền tảng số để phát triển các quy hoạch tổng thể. Sau khi các quy hoạch tổng thể được xác định, việc thực thi là vô cùng quan trọng. Việt Nam nên tập trung vào việc hạn chế chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng nông nghiệp sang phi nông nghiệp, hiện có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua. Theo dữ liệu “ánh sáng ban đêm”, khu vực “đô thị” của Việt Nam đã mở rộng gấp bốn lần trong 7 năm (từ 2010 đến 2017) so với giai đoạn 14 năm (từ 1996 đến 2010). Từ năm 2000 đến 2015, mật độ dân số đô thị của Việt Nam duy trì ở mức 1.890 người/km2, thấp so với khu vực.
Để cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các đô thị tại Việt Nam, theo bà Carolyn Turk, việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị rất quan trọng, đặc biệt là đầu tư vào quản lý rủi ro lũ lụt và hệ thống giao thông công cộng công suất cao. Điều này đòi hỏi phải phân bổ thêm nguồn lực đầu tư cho các thành phố, đồng thời cần xem xét các biện pháp khác để tăng cường đầu tư.
Đặc biệt, để làm chậm tác động của biến đổi khí hậu, đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0 ở COP-26, sẽ đòi hỏi các yêu cầu tài chính lớn để phục vụ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp cũng như tối đa hóa khả năng tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi cao. “Việt Nam nên tìm hiểu các nguồn tài chính bổ sung, chẳng hạn như việc bán các khoản tín chỉ các-bon vào thị trường tư nhân quốc tế. Cơ sở hạ tầng của thị trường này đã có sẵn và đang vận hành trơn tru, bao gồm cả cơ quan đăng ký và hệ thống đo lường, báo cáo và xác minh (MRV). Thị trường này đã tăng gấp 4 lần về quy mô vào năm ngoái, sau khi tăng gấp đôi vào năm trước và xu hướng tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, bà Carolyn Turk nói.
Tiềm năng giảm phát thải ước tính trong 10 năm là 109,7 triệu tấn, tương đương với 1,76 tỷ USD bù đắp carbon, với giá 25 USD/ tấn. WB ước tính phương pháp tiếp cận này có thể cắt giảm một nửa chi phí vốn ban đầu, và trong một số trường hợp, phương pháp này sẽ làm cho các khu công nghiệp trở nên cạnh tranh hơn trong mắt các đơn vị chế biến, chế tạo hàng đầu mà đòi hỏi công nghệ chế biến, chế tạo xanh; từ đó cho phép các khu công nghiệp bán hàng với giá cao hơn.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc