11:06:19 | 2/2/2023
Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch được coi là một trong những hướng đi triển vọng giúp ưu giữ nét đẹp của cha ông. Hà Nội là nơi hội tụ nhiều nét tinh túy trong đời sống xã hội, trong đó có những nét tinh hoa của làng nghề, phố nghề. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề càng trở nên quan trọng trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố sau khi mở rộng có 1.350 làng nghề, đã mai một 544 làng, còn 806 làng đang hoạt động (số liệu điều tra năm 2020). Trong 806 làng nghề có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã; 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội. Sản phẩm làng nghề Hà Nội đa dạng, chủng loại nhiều, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường ở cả trong và ngoài nước như: sản phẩm may mặc, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, đồ cơ khí, nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).
Sự phát triển làng nghề ở Hà Nội đã thu hút 108.019 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, trong đó có 11.935 doanh nghiệp (chiếm 11,05%) và 93.523 hộ gia đình (chiếm 86,58%), còn lại là số các cơ sở ở dạng HTX, tổ hợp tác. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động tại chỗ và hàng chục nghìn lao động nơi khác. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề năm 2021 ước đạt 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu ngàn tỉ như: dệt kim ở La Phù (Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm ở xã Minh Khai (Hoài Đức) đạt 1.061 tỷ đồng/năm; điêu khắc mỹ nghệ ở Sơn Đồng (Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; cơ khí ở Phùng Xá (Thạch Thất) đạt 1.029 tỷ đồng/năm; gốm sứ xã Bát Tràng (Gia Lâm) đạt 980 tỷ đồng/năm.
Thu nhập của người lao động trong các làng nghề cũng khác nhau tùy theo trình độ tay nghề, loại sản phẩm của làng nghề, thời gian làm việc của người lao động trong tháng. Nghề có thu nhập cao là nghề làm sơn mài, chạm khảm, điêu khắc gỗ mỹ nghệ, gốm sứ,.. và nghề có thu nhập thấp là làm nghề mây tre đan, thêu ren, nón lá.
Tuy nhiên, thu nhập của người lao động làm trong các làng nghề vẫn cao hơn nhiều so với lao động thuần nông và được cải thiện qua các năm, hiện phổ biến ở mức 5-6 triệu đồng/lao động/tháng. Có nhiều làng nghề mức thu nhập của lao động rất cao như làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) thu nhập lao động bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng...
Mặc dù mang trên mình nhiều giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội nhưng làng nghề không phải lúc nào cũng phát triển thịnh vượng. Không ít nghề truyền thống đứng trước nguy bị cơ mai một...
Đại diện Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Trọng Đoàn chia sẻ, vấn đề vốn là một trong những khó khăn lớn của các làng nghề. Hiện nay, mức vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp làng nghề là quá ít, chỉ dao động từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ về các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, hạn mức vay cao, đủ để bảo đảm xây dựng, phát triển kinh tế. Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ xây dựng trung tâm hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại làng nghề, các khu du lịch làng nghề của thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dễ tiếp cận và trao đổi thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Còn tại Làng lụa Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông cũng đang "chóng mặt" với tình trạng đô thị hóa; cộng thêm ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở không duy trì nổi việc sản xuất, kinh doanh. Nếu như năm 2001, cả làng có 500 máy dệt thì đến nay, chỉ còn 300 máy hoạt động, đã thế những người giữ nghề chủ yếu thuộc lớp cao tuổi. Nếu tình trạng này mãi kéo dài, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi mai một, thì nghề truyền thống của quê hương sẽ khó bảo tồn...
Để chấn hưng làng nghề, đặc biệt là khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề quý bị “thất truyền”, tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề, chắc chắn sẽ cần sự trợ lực từ nhiều phía, trong đó có nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách như Chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo...
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đề xuất: “Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, các thế hệ trẻ có cơ hội hành nghề làm giàu, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố nên có chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình cho học viên về môn thiết kế sản phẩm và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm, động viên cho các con em đi học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, những năm qua, thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề thành phố; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, triển khai chương trình OCOP, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của thành phố…Khôi phục và chấn hưng làng nghề, không để các làng nghề truyền thống bị mai một, nghề quý bị “thất truyền”, tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề, các địa phương triển khai mô hình phát triển sản xuất hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề, …Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn cho làng nghề phù hợp cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; có cơ chế, chính sách về đất đai xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài...Ông Chí nói.
Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản. Nó cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp và sự đoàn kết, quyết tâm của các người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI