Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững

10:27:10 | 3/4/2023

Nhiều khó khăn, thách thức như rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hàng hóa cơ bản... là những nhân tố tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Điều này sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế…  là những vấn đề cần được thực hiện quyết liệt, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Xác định các thách thức, cơ hội để phát triển bền vững thành công

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, việc tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững xuất phát từ câu chuyện khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, trong bối cảnh hậu COVID-19 và biến động chung của thế giới diễn ra.

Trước những “bất ổn” của tình hình trên toàn cầu và gần đây là những biến động trên thị trường tài chính - ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, những yếu tố mà doanh nghiệp có thể dựa vào ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ (ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ) cũng đã sụp đổ. Điều này khiến các nhà doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta phải định vị lại doanh nghiệp của mình như thế nào để tồn tại và phát triển?

Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thêm một yếu tố cần quan tâm là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác.

“Từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn mới bắt đầu, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cho rằng, trong vòng chưa đầy 25 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng phải văn minh hiện đại. Không phải phát triển chỉ để kiếm lợi nhuận mang về cho bản thân, mà cần phải phát triển bền vững, quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường, quản trị doanh nghiệp ESG, quan tâm đến đạo đức, văn hóa kinh doanh.

Theo Chủ tịch VCCI, vấn đề này cũng được VCCI đặt ra từ Đại hội VII năm 2021, đó là thúc đẩy xây dựng nền tảng cho đạo đức văn hóa kinh doanh của doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Chúng ta phải suy nghĩ khác đi, định vị lại doanh nghiệp của mình, từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của doanh nghiệp trong ngành nói riêng và trong tổng thể của một nền kinh tế nói chung, định vị lại cả năng lực công nghệ, cung cách quản trị doanh nghiệp...”, ông Phạm Tấn Công nói.

Trong giai đoạn tới, theo Chủ tịch VCCI, rất cần sự quan tâm chung của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý không chỉ với doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước; cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công, để những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới tiếp tục được phát huy, trở thành quốc gia phát triển nhanh, xanh, bền vững.

VN hoàn toàn có năng lực để tái định vị thành công

Để có thể tái định vị phát triển một cách bền vững, theo Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc Khối khách hàng DN lớn- Ngân hàng HSBC Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng một môi trường mà trong đó, Chính phủ có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới; kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp địa phương;

“Các tổ chức, các hiệp hội chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế”, bà Nga nhấn mạnh.

Về phía các DN, theo bà Nga, cần chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến… để linh hoạt ứng dụng cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, dich vụ...

Đầu tư vào các hoạt động R&D đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. Vậy nên, bà Nga cho rằng, với những doanh nghiệp có tiềm lực nên coi đây là hoạt động cần chú trọng. Chính phủ cũng cần có những đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này trong toàn bộ nền kinh tế, bởi Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao, với chính sách khuyến khích FDI chất lượng và giá trị cao. Hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này.

“Khi thế giới thay đổi, với tư cách là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động bậc nhất, có độ mở lớn và đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể đứng yên. Chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó. Nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những lợi thế như vậy, nhanh chóng và tăng tốc hơn nữa thì có thể tạo ra nhiều giá trị lớn trong đổi mới sáng tạo”, bà Nga nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh. Chính vì thế, một số chính sách cần phải khơi thông. Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tư nhân trong nước, VN cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất; tăng tính ổn định, dự đoán có chính sách pháp luật. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay rủi ro của pháp luật lớn hơn rủi ro từ thị trường, vì vậy  cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài ra, cần phải phát huy vai trò của thị trường, trong đó có một số ngành như xăng dầu. Hiện nay bất cập của thị trường xăng dầu là cách thức quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Đồng thời, cần xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ thị trường trong nước một cách hợp lý, hợp pháp với chính sách khôn ngoan.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) 

Để tái định vị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững - khâu đầu tiên và cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.

Thực tế các hợp đồng xây dựng không thể giải quyết bằng Luật Dân sự vì đã kéo dài cả chục năm và các chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ, nếu không nói là vô hiệu. Vì vậy cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật xây dựng, Luật đấu thầu để đảm bảo quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trước các chủ đầu tư. Đó là điều kiện để các nhà thầu tồn tại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng thông qua liên kết đào tạo kể cả hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo chuyên gia về phát triển công trình ngầm đô thị.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn như hiện nay. Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng phải định vị lại thị trường, tái cấu trúc  cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.  

Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Ban chấp hành VCCI 

Bên cạnh các rào cản về thể chế, một trong những thách thức rất lớn của DNVN là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý... Tất cả các yếu tố hạn chế trên đều ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, về phía Nhà nước, cần đẩy mạnh hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý Nhà nước…

Còn đối với doanh nghiệp, cần phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển…

TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam 

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2030, ngành dệt may đạt doanh thu từ 68 - 70 tỷ USD và chuyển dần sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. 

Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, xác định phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, với 86% doanh nghiệp trong ngành là DNNVV nên tuỳ vào điều kiện của mình, doanh nghiệp xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp để chuyển đổi kinh doanh tuần hoàn.

Các doanh nghiệp trong ngành tại khu công nghiệp cần có sự phối kết hợp với nhau trong việc sử dụng điện áp mái để tăng hiệu quả, tránh lãng phí, tiết kiệm nguồn lực. Đặc thù của ngành là tỷ lệ gia công lớn nên doanh nghiệp cần phối hợp với nhãn hàng trong phát triển bền vững để chia sẻ chi phí.

Đặc biệt, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiệm vụ, trách nhiệm được phân công trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng khu công nghiệp dệt may quy mô lớn, các tổ hợp sản xuất lớn để giải quyết các khâu còn yếu như nguyên liệu, năng lượng…  Bộ Tài chính cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp dệt may thực hiện xanh hoá và phát triển bền vững. Hiện nay, dư nợ tín dụng chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước cho thấy doanh nghiệp dệt may khó tiếp cận vốn tín dụng. 

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam

Theo thống kê, hiện ngành gỗ có trên 6000 doanh nghiệp (bao gồm cả 800 doanh nghiệp FDI), sử dụng trên 500 nghìn lao động… nhưng bên cạnh sự tăng trưởng đã đạt được trong những năm qua, việc sử dụng nhân công và nguyên liệu giá rẻ cũng đã và đang trở thành thách thức khi liên tục giảm đi. Cùng với đó, sản phẩm gỗ liên quan đến rừng và cây nên liên tục bị soi xét về mặt nguyên liệu. Đồ gỗ hiện nay vẫn mượn thương hiệu nước ngoài dù VN là nước xuất khẩu gỗ lớn. Một thách thức lớn khác là việc ngành gỗ đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ…

Vì vậy, trong thời gian tới, để tái định vị, các doanh nghiệp ngành gỗ cần xây dựng chuỗi liên kết theo chiều sâu từ các doanh nghiệp; đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng kinh tế xanh, thương mại xanh; tăng cường trách nhiệm giải trình chế biến gỗ theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cần tăng cường năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu gỗ Việt; thúc đẩy thương mại điện tử đa dạng hóa thị trường…

Anh Mai (Vietnam Business Forum)