08:20:54 | 2/5/2023
Những năm qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Bắc Kạn đã, đang tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cung ứng cho thị trường lao động. Ông Đồng Văn Lưu - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã có chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh những nỗ lực này.
Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ,TB&XH tỉnh trong năm 2023?
Năm 2022, ngành LĐ,TB&XH tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu, thực hiện tốt các chính sách an sinh - xã hội trên địa bàn. Cụ thể, việc triển khai các chế độ, chính sách với người có công và thân nhân người có công được quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng quy định; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng và người dân đồng tình ủng hộ. Số lao động được giải quyết việc làm, tư vấn giới thiệu và đi làm việc ở nước ngoài vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,55% (xuống còn 24,82%), đạt kế hoạch đề ra. Sở đã cơ bản kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực, trách nhiệm thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức.
Trong năm 2023, ngành tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy; nêu cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo và chế độ trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Hai là, đẩy mạnh quản lý về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chính sách tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động cho người lao động; tích cực giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật và dân tộc thiểu số.
Ba là, tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi người có công; giải quyết kịp thời, đúng luật những phát sinh, đơn thư về thực hiện chế độ chính sách ưu đãi; vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh liệt sĩ (27/7),…
Bốn là, truyên truyền chủ trương, chính sách, hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 về quản lý cai nghiện ma túy; thực hiện tốt các nội dung tại chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được phê duyệt; tổ chức các hoạt động: Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Diễn đàn trẻ em tỉnh Bắc Kạn lần thứ chín - năm 2023, Tết Trung thu; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò
Nhìn từ Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh những năm qua cho thấy công tác đào tạo, hệ thống GDNN của Bắc Kạn còn hạn chế. Ông đánh giá sao về vấn đề này? Sở đang tham mưu, thực hiện các giải pháp khắc phục nào?
Bắc Kạn hiện có 08 cơ sở GGDN công lập gồm Trường Cao đẳng Bắc Kạn, 7 Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện. Đội ngũ giáo viên cơ hữu của các cơ sở dạy nghề còn thiếu (Trường Cao đẳng Bắc Kạn có 37 giáo viên GDNN; 7 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện có 8 giáo viên GDNN). Bộ máy quản lý chưa đảm bảo, một số nhà giáo mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm 2020-2021, kết quả đào tạo nghề của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất - kinh doanh.
Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo được 8.155 người, trong đó hệ sơ cấp 1.310 người; thường xuyên dưới 3 tháng là 6.092 người (chủ yếu theo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia). Để Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh tăng cao cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành.
Thời gian tới, Sở đã, đang thực hiện các giải pháp nhiệm vụ sau: (1) Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về GDNN; (2) Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; (3) Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong cơ sở GDNN; (4) Gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; (5) Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (6) Huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; (7) Truyền thông nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN; (8) Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn
Bên cạnh các yếu tố địa lý, địa hình, kết cấu hạ tầng,... nguồn nhân lực cũng là “điểm nghẽn” cản trở phát triển của Bắc Kạn hiện nay. Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ tháo gỡ một phần thực trạng khó khăn trên. Ông chia sẻ thế nào về vấn đề này?
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 156-KH/TU kịp thời có các định hướng chỉ đạo trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Dự thảo Quy hoạch đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành trong thời gian sớm nhất. Quy hoạch là một nội dung quan trọng, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn.
Hướng dẫn, dạy nghề chăn nuôi trâu, bò cho lao động nông thôn tại tỉnh Bắc Kạn
Quy hoạch có đề cập đến các nội dung đột phá phát triển như: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số,... Hy vọng Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ tháo gỡ một phần thực trạng khó khăn trên trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI