Bắc Ninh: Phát huy lợi thế mới, tạo đà phát triển bền vững

10:15:59 | 12/5/2023

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp, Bắc Ninh đang phát triển mạnh mẽ, là một trong các cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, khu vực động lực của Vùng Đồng bằng sông Hồng,… Trong điều kiện phát triển mới, tỉnh chú trọng đến phát triển xanh, bền vững, kiến tạo các giá trị riêng dựa trên những nền tảng mới như: Cải cách, đổi mới sáng tạo, kinh tế số,…


Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang tiếp và làm việc với Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc) về hoàn thiện thủ tục đưa Trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo tại KCN Quế Võ vào hoạt động

Chuyển mình mạnh mẽ

So với các tỉnh thành khác, Bắc Ninh là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý: Thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn. Tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi, nằm ở vị trí gần sân bay quốc tế Nội Bài và cảng biển Hải Phòng,… tạo cơ hội tốt cho giao lưu kinh tế và luân chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển các loại hình sản xuất cả công nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt, là vùng đất văn hiến, cách mạng, miền quê của các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống nổi tiếng,… Bắc Ninh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những loại hình phong phú, hấp dẫn, nhất là du lịch tâm linh kết hợp với du lịch làng nghề.

Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được quy hoạch, đầu tư phát triển khá đồng bộ và hiện đại có khả năng kết nối cao. Hạ tầng công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, kho bãi cũng được tập trung đầu tư phát triển mạnh để phát huy lợi thế của trung tâm đầu mối về thương mại vận tải kho bãi của Vùng Thủ đô và vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế này, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã có bước phát triển nhanh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 13,9%/năm). Năm 2022, GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 142.289 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021, góp phần đưa quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 9 của cả nước và thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Công nghiệp có bước phát triển đột phá; nông nghiệp ngày càng khẳng định vị thế ở cả thị trường trong và ngoài nước; thu hút đầu tư liên tục nằm trong Top đầu của cả nước, nhất là đầu tư FDI với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, Amkor, Goertek,... Cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi rõ nét. Đặc biệt, quy mô công nghiệp tăng nhanh đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết: Trên cơ sở kế thừa thành tựu phát triển của giai đoạn trước, Bắc Ninh định hướng giai đoạn 2021-2030 tập trung chuyển dịch sang tăng trưởng chất lượng cao, theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững và gắn kết tăng trưởng với phúc lợi cuộc sống của người dân, đảm bảo công bằng xã hội. Tỉnh phấn đấu trở thành một trong những cực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước, sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái, giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa và có chất lượng cuộc sống cao. Đây cũng chính là lợi thế, nguồn lực để Bắc Ninh tiếp tục có bước phát triển mới.

Kiến tạo lợi thế mới cho phát triển bền vững

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để định hướng, chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển trong giai đoạn tới. Tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, hướng đến phát triển nhanh và bền vững. Trong đó lấy công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm logistics của Vùng.

Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh những tiềm năng sẵn có, Bắc Ninh đang không ngừng tạo thêm những lợi thế mới, đặc biệt là “lợi thế mềm”. Theo đó, nhằm tạo ra những lợi thế so sánh “động”, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được chính quyền tỉnh thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành.

Ngoài các ưu đãi chung theo quy định, tỉnh Bắc Ninh còn có những cơ chế, chính sách riêng: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt hàng năm; xây dựng mô hình bác sĩ doanh nghiệp và thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; thành lập Trung tâm Hành chính công; Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI Bắc Ninh),…

Nhờ những nỗ lực trên, Chỉ số PCI của tỉnh liên tục đạt ở mức tốt hoặc rất tốt. Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh thành cả nước với 69,08 điểm. Trong đó có 6 chỉ số tăng điểm (so với năm 2021) là: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý. Đặc biệt, Bắc Ninh nằm trong Top 3 cả nước về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Không chỉ đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương. Xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, địa phương, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định 7 nhóm ngành ưu tiên gồm: Sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất công nghệ cao, du lịch, logistics, thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất dược phẩm. Tỉnh chú trọng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh dựa trên những nền tảng mới như: Đổi mới sáng tạo, kinh tế số,… với các nhà máy thông minh, tiết kiệm năng lượng, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị theo hướng sinh thái, công nghệ cao. Thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: Sử dụng ít đất, ít lao động; hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tin tưởng rằng những năm tới sẽ là thời cơ tốt tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bắc Ninh ngày càng phát triển, khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế lớn, cực tăng trưởng ở khu vực miền Bắc”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định.

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)