13:27:44 | 11/5/2023
Với những nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Long An đã vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 khi tăng 6 bậc so với năm 2021, đứng trong Top 10 cả nước. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Luôn quan tâm, lắng nghe và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, năm 2023, tỉnh sẽ tập trung cải thiện các chỉ số thành phần PCI, kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để thúc đẩy doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy vai trò xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2022, Long An đã giành được kết quả ấn tượng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (GRDP tăng 8,46%, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố) và thu hút đầu tư (23.800 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2021). Tỉnh Long An sẽ lan tỏa kết quả này ra sao trong năm “bản lề” - 2023, thưa ông?
Long An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid- 19, nhưng với sự chung sức đồng lòng, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, trong năm 2022, tỉnh đã đạt 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,46%, quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước; tổng thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ; thể dục - thể thao, du lịch, chuyển đổi số được đẩy mạnh; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác quốc phòng, an ninh, nội chính được giữ vững; hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu quả, nhiều mặt chuyển biến tích cực.
Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong nước, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chính sách thắt chặt tín dụng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí đầu vào tăng cao,... gây khó khăn cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, tỉnh xác định năm 2023 là năm “bản lề”, có ý nghĩa quan trọng tạo chuyển biến căn bản, tạo đà, lực cho những năm tiếp theo hoàn thành thắng lợi trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Kế thừa kết quả đạt được năm 2022 và nhận định các cơ hội, thách thức; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, cùng với tư duy mới "tự lực, tự cường; lấy con người và doanh nghiệp là trung tâm, xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển", tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 8,0-8,5%.
Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị tỉnh Long An đang vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nhằm triển khai 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Ông có thể cho biết rõ hơn về quyết tâm này cũng như kết quả đạt được cho đến nay?
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025 ) đã đặt ra 17 chỉ tiêu quan trọng, bảo đảm sự phát triển vững chắc của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2021 -2025 đạt 9,2 - 10%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 - 120 triệu đồng,... Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Long An đã xác định 3 công trình trọng điểm, 3 chương trình đột phá. Đến nay, việc thực hiện 3 chương trình đột phá, công trình trọng điểm đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể như sau:
- 03 công trình trọng điểm: (1) Đường vành đai TP.Tân An: Đang triển khai thực hiện, tiến độ cơ bản đạt yêu cầu, dự kiến năm 2023 sẽ thông xe toàn tuyến và đưa vào khai thác, sử dụng: (2)Đường tỉnh (ĐT) 830E (nút giao cao tốc đến ĐT830); UBND huyện Bến Lức đang thực hiện chi trả cho người dân, về phần đường thì chủ đầu tư đã chuẩn bị mặt bằng thi công, đã khởi công ngày 21/4/2023; (3)ĐT827E (đoạn từ TP.Hồ Chí Minh đến sông Vàm Cỏ Đông); Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đang đề xuất lại phương án đầu tư với Tỉnh ủy. Theo đó, sẽ giữ nguyên phạm vi mặt cắt ngang giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến theo chủ trường đầu tư đã được HĐND tỉnh phê duyệt để hạn chế gây xáo trộn cuộc sống người dân trong khu vực. Đối với việc đầu tư xây dựng, trước mắt tỉnh tập trung các nguồn lực để GPMB và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu lớn (cầu Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) để kết nối với các tuyến đường tỉnh và quốc lộ nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư xây dựng 3 cầu này bằng vốn vay ODA; Đoạn từ ranh TP.Hồ Chí Minh đến vòng xoay đầu tuyến (giao với ĐT 826E, dài khoảng 700m) sẽ giao cho nhà đầu tư trúng thầu dự án Khu đô thị mới Long Hậu GPMB và đầu tư xây dựng theo quy hoạch; các đoạn còn lại đầu tư dự án bằng hình thức PPP.
- 03 chương trình đột phá:
(1) Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chương trình giúp nông dân từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến quý I/2023, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao đạt 73% kế hoạch (KH); diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 97,2% KH; diện tích thanh long ứng dụng công nghệ cao đạt 68,1% KH; diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao đạt 71% KH; diện tích tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 22,6% KH.
(2) Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh: UBND tỉnh đã ban hành nhiều KH triển khai thực hiện như Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2025; KH bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức; Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,... Hiện nay, các sở, ngành và địa phương đang triển khai thực hiện theo KH được phê duyệt. Đồng thời, Trường Cao đẳng Long An đang được đầu tư từ ngân sách nhà nước để góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, tiến độ thi công dự án đạt KH đề ra (năm 2022 bố trí 14,955 tỷ đồng và năm 2023 bố trí 80 tỷ đồng).
(3) Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm: Đối với các công trình thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công thì đảm bảo tiến độ triển khai bao gồm: (1) Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh; (2) Dự án nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 (TP.Tân An). Các dự án còn lại phụ thuộc vào công tác lập quy hoạch và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này.
Với KH cụ thể cho từng công trình, chương trình và sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn... tôi tin chắc rằng đến năm 2025, Long An sẽ thực hiện thắng lợi 3 công trình trọng điểm và 3 chương trình đột phá, tạo tiền đề để tỉnh giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra.
Việc thực hiện 3 chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Long An đã đạt được những kết quả tích cực
Ông có thể cho biết những điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050? Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Long An thực hiện cam kết gì?
Trong tuần đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh chính là “kim chỉ nam” để xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của các ngành, của từng vùng và của các địa phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thời gian qua một số nhà đầu tư chiến lược đã tìm hiểu đầu tư vào Long An nhưng chưa thực hiện được dự án vì chờ quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tỉnh phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế địa kinh tế đưa Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Không gian phát triển của tỉnh Long An được tổ chức một cách hiệu quả, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các địa bàn khó khăn; phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chủ động tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số và áp dụng các mô hình kinh tế mới để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng.
Chính quyền tỉnh Long An cam kết luôn quan tâm, lắng nghe và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như những nhà đầu tư tiềm năng phát huy vai trò xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế; đồng thời phát huy vai trò cầu nối, quảng bá hình ảnh Long An đến bạn bè quốc tế, kết nối những đối tác tin cậy, có tiềm năng, thiện chí đến đầu tư vào Long An.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI