09:30:59 | 2/5/2023
Năm 2023, tỉnh Tây Ninh bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Song với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã dần lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt sản xuất công nghiệp có bước phục hồi và ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Nhiều khởi sắc
Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh đã bám sát chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh và Bộ Công Thương, chủ động xây dựng các kế hoạch, tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với trọng tâm rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết. Làm tốt công tác nắm bắt tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, thị trường mới,...
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho biết: “Các giải pháp trên đã tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn từng bước được phục hồi. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, kinh doanh ổn định, hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Dệt may, chế biến nông sản (mía, mì,...), các sản phẩm cao su và nhựa, da giày, các sản phẩm kim loại”.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm tăng 2,01% so với cùng kỳ, các phân ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (2,10%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (4,97%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Đường các loại (31,12%), Clanke Poolan (24,72%), điện sản xuất (2,50%), nước máy sản xuất (2,71%),...
Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục đà phát triển tốt. Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm ước đạt 27.399,8 tỷ đồng, tăng 10,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngành hàng tăng cao hơn mức tăng bình quân chung, gồm: Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,48%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 12,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,80%; ô tô con (dưới 9 chỗ) tăng 24,13%;...
Tiếp tục các giải pháp duy trì đà tăng trưởng
Phát huy những thành quả đạt được, ngành Công Thương tỉnh tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng điện mặt trời. Chú trọng khai thác dịch vụ logistics, kinh tế biên mậu.
Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp hiện có. Triển khai nhanh Khu công nghiệp (KCN) Phước Đông giai đoạn 3 để phục vụ nhu cầu mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Ban hành Đề án phát triển KCN giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và Đề án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2023-2030.
Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, thị trường ổn định. Đa dạng hoá thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư uy tín, công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực địa phương. Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành.
Ngoài ra, tiếp tục khai thác tiềm năng điện mặt trời đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện; giám sát, đôn đốc việc xây dựng kết cấu hạ tầng điện theo quy hoạch, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện môi trường Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959ha. Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch là 3.385,19ha. Những năm qua, với nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Tây Ninh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao trên cả nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người, đưa ngành công nghiệp phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng và cả nước. Tỉnh đưa ra những định hướng phát triển tổng thể ngành công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 2021- 2030. Cụ thể: Cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như: Chế biến tinh chế sản phẩm nông nghiệp theo định hướng sản xuất nông nghiệp mới, cơ khí, chế tạo, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế, trang trí nội thất và lương thực, thực phẩm,... |
Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI