16:13:42 | 10/5/2023
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 4 tháng thu NSNN ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước đạt khoảng 42,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 36,3% dự toán.
Thu nội địa có xu hướng giảm
Cụ thể, tổng thu NSNN thực hiện tháng 4 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán, bằng 82,4% mức thu bình quân quý I (thấp hơn khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán, bằng 79,6% mức thu bình quân quý I (giảm gần 29 nghìn tỷ đồng) chủ yếu là do trong tháng 1 đã tập trung thu vào ngân sách thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phát sinh quý IV/2022 và phần chênh lệch còn phải nộp theo quyết toán thuế năm 2022. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm thấp hơn dự kiến, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp gặp khó khăn; kết hợp với thực hiện chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ tác động giảm thu ngân sách trong tháng 4 (tổng số đã gia hạn đến hết tháng 4 khoảng 38 nghìn tỷ đồng).
Đối với thu từ dầu thô, trong tháng 4 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng; giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 86,4 USD/thùng, tăng 16,4 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng dầu trong tháng ước đạt 0,7 triệu tấn.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,15% dự toán, bằng 98,9% mức thu bình quân quý I; hoàn thuế GTGT theo chế độ trong tháng khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế 4 tháng thu NSNN ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 42,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 36,3% dự toán). Trong đó, thu nội địa ước đạt 538,8 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán, bằng 98% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù số thu nội địa 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán, nhưng số thu hàng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 16,1%; tháng 2 đạt 7,1%; tháng 3 đạt 8,6%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,5% dự toán). Không kể thuế TNDN, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, có 8/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (trên 34% dự toán), trong đó thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa) ước đạt 42% dự toán, tăng 2,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên nếu loại trừ thuế TNDN, số thu của 3 khu vực này giảm 8,5% so cùng kỳ; thuế TNCN ước đạt 42,4% dự toán; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 49,2% dự toán; thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 81,5% dự toán; thu khác ngân sách ước đạt 77,3% dự toán...
Có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (ước đạt 16,8% dự toán, bằng 49,7% so cùng kỳ); các loại phí, lệ phí (ước đạt 32,2% dự toán, bằng 91,4% so cùng kỳ); các khoản thu về nhà, đất (chiếm 13,3% dự toán thu nội địa; ước đạt 20,9% dự toán, bằng 46,6% so cùng kỳ); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (ước đạt 25% dự toán, bằng 108,7% so cùng kỳ).
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 38% dự toán; 16/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 47 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thu từ dầu thô ước đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2% dự toán, giảm 9,6% so cùng kỳ năm 2022. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 84,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,4% dự toán, giảm 19,9% so cùng kỳ năm 2022.
Ngành Thuế quyết liệt trong công tác chống thất thu thuế
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 4, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ DN và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 4 khoảng 56,32 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 18,32 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu để bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
Quản lý, đôn đốc thu nộp kịp thời đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Tiếp tục triển khai Cổng thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho DN, hộ kinh doanh hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai đề án xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử và các giải pháp, công cụ khai thác, phân tích dữ liệu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); phát triển các dịch vụ thuế số cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Tính đến ngày 15/4/2022, cơ quan thuế đã thực hiện 9,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 102,9 nghìn hồ sơ khai thuế của DN. Qua đó kiến nghị xử lý tài chính 15,12 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 3,9 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 11,22 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 4 đạt khoảng 14,9 nghìn tỷ đồng
Trước bối cảnh này, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn, việc tiếp tục triển khai những chính sách giảm trong thời gian tới sẽ tác động đến việc triển khai thực hiện thu NSNN năm 2023. Do vậy, toàn ngành cần phải có đánh giá cụ thể để có giải pháp quyết liệt khai thác tăng thu bù đắp giảm thu do thực hiện các chính sách mới ngay từ bây giờ. Đặc biệt tập trung vào các giải pháp quản lý thu, bao gồm công tác kê khai thuế, hoàn thuế, thanh tra kiểm tra thuế, quản lý và cưỡng chế nợ thuế… nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023 trong thời gian tới.
Lê Hiền (Vietnam Business Forum)