09:06:21 | 11/5/2023
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) của VCCI, phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu. Cụ thể, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, một phần tư doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.
Chuyển dịch khỏi ngành may mặc
Báo cáo PCI 2022 cho thấy một phát hiện đáng chú ý, đó là cơ cấu doanh nghiệp FDI có sự chuyển dịch sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Gần một nửa (49,5%) số doanh nghiệp FDI được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo, 39% trong lĩnh vực dịch vụ/thương mại và 7% trong lĩnh vực xây dựng. Xét theo ngành thì phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành bán buôn/bán lẻ (12,6% số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI-FDI). Các ngành khác có mật độ doanh nghiệp FDI lớn là sản xuất chế biến kim loại đúc sẵn, cao su, nhựa và sản phẩm điện tử, máy tính. Một xu hướng dễ nhận thấy là khối doanh nghiệp FDI đang có sự dịch chuyển khỏi ngành may mặc. Năm 2010, các doanh nghiệp dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất thì đến năm 2022 con số này đã giảm đáng kể. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp các ngành sản xuất máy tính, thiết bị điện tử và thông tin/truyền thông đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Ở một diễn biến khác, trong khi vai trò nhà cung cấp của khối doanh nghiệp nhà nước dường như giảm sút đôi chút thì tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ cung ứng bởi các hộ kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ mức 9,9% năm 2021 lên 13,4% năm 2022. Trên bề mặt, những con số này có thể đơn giản được coi là kết quả của quá trình phục hồi kinh tế về mức trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự thu hẹp vai trò của các nhà cung ứng tại nước xuất xứ và nước thứ ba quan sát được qua các năm cho thấy, các nhà cung cấp trong nước đã thực sự củng cố vị thế nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trung gian cho khối doanh nghiệp FDI. Năm 2022, chỉ 30,5% doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước xuất xứ, mức thấp nhất từ trước đến nay và giảm mạnh từ mức đỉnh 58,7% vào năm 2016. (Doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ chính đất nước của họ, với tỷ lệ tương ứng là 42,4%, 38,3% và 32,6%).Tỷ lệ doanh nghiệp FDI chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp ở nước thứ ba đã giảm từ 22,6% vào năm 2021 xuống còn 16% trong năm 2022. Vai trò ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp trong nước với tư cách là nhà cung cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị điện tử và logistics, có thể là kết quả của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020 và sự chuyển dịch của các nhà đầu tư khỏi Trung Quốc sang các nước láng giềng.
Cơ cấu doanh nghiệp FDI theo xuất xứ nhà đầu tư tương đối ổn định trong các năm gần đây. Năm 2022, xét theo tiêu chí số lượng doanh nghiệp, Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam khi chiếm đến 28,8% mẫu điều tra PCI-FDI. Nhật Bản đứng thứ hai với tỷ trọng 23,2% trong mẫu. Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 12,7% mẫu điều tra PCI-FDI 2022, tăng nhẹ từ mức 10,6% của năm 2021 và 6,9% của năm 2020. Trong số doanh nghiệp Trung Quốc định hướng xuất khẩu, 41,9% doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI đã tiếp tục cải thiện kể từ đại dịch covid- 19. Năm 2022, báo cáo PCI FDI ghi nhận các DN FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn, tỷ lệ DN FDI báo lãi tăng từ 38,7% năm 2021 lên 42,8% trong năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống conf 44,9% năm kế tiếp.
Gánh nặng thực thi quy định giảm đáng kể
Một trong những điểm đáng chú ý là các DN FDI tiếp tục có những đánh giá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, với gánh nặng thực thi quy định đã giảm đáng kể so với những năm trước đó. Tỷ lệ DN phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ con số 60,6% năm 2021 xuống còn 49,3% của năm 2022. Việc chi trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm, song đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2022, chỉ có 17,4% doanh nghiệp FDI phải trả chi phia không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra , giảm đáng kể so với mức 25,4% trong năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chỉ chiếm dưới 1% doanh thu đã tăng lên so với các năm trước, tuy nhiên vẫn có tới 38,5% và 19,2% doanh nghiệp được hỏi phải trả chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục hải quan và đất đai.
Đáng chú ý, các DN FDI gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động. Bên cạnh khó khăn trong việc tuyển dụng lao động địa phương cho các vị trí quản lý và giám sát như trước đây, một khác biệt đáng chú ý là năm 2022 các DN FDI gặp khó khăn hơn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông. Nếu như trong năm 2021 có tới 62% DN FDI cảm thấy “ dễ dàng” hoặc “ rất dễ dàng” tuyển dụng lao động phổ thông, một phân khúc thường có nguồn cung dồi dào trên thị trường thì con số này giảm xuống chỉ còn 49% trong năm 2022.
Các DN FDI còn gặp trở ngại trong việc giữ chân những lao động đã qua đào tạo. Tỷ lệ lao động đã được đào tạo tiếp tục làm việc từ một năm trở lên giảm đáng kể trong 2 năm qua, từ mức 66% năm 2020 xuống còn 60% năm 2021 và 55,9% năm 2022. Những DN FDI sử dụng lao động nhập cư từ tỉnh khác cảm nhận rõ nhất tác động của đại dịch và các chính sách ứng phó với đại dịch. Mức độ khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông có mối tương quan chặt chẽ với sự phụ thuộc của một tỉnh, thành phố vào lao động nhập cư. Nhìn chung, các địa phương có tỷ lệ lao động ngoại tỉnh lớn như Bình Dương và TP.HCM có xu hướng bị tác động lớn hơn bởi các biến động trên thị trường lao động so với các địa phương khác.
Đặc biệt, theo báo cáo PCI 2022, các DN FDI có xu hướng thận trọng khi mở rộng quy mô đầu tư. Những bất ổn kinh tế toàn cầu đã khiến DN FDI tại Việt Nam tỏ ra e dè khi mở rộng đầu tư. Chỉ 33% DN FDI có dự định gia tăng quy mô trong năm tới so với mức 47,7% của năm 2021. Tỷ lệ DN FDI đã mở rộng quy mô đầu tư trong năm 2022 là 6,2% so với mức 8,4% và 7,8% lần lượt vào năm 2020 và 2021.
Điều tra PCI dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 (gọi tắt là điều tra PCIFDI) có sự phản hồi của các doanh nghiệp tại 51 tỉnh thành tại Việt Nam, trong đó tập trung ở 19 địa phương có mật độ đầu tư nước ngoài lớn nhất. Đây là quy mô mẫu điều tra có tính đại diện toàn quốc. Các doanh nghiệp được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng ở cấp tỉnh theo năm hoạt động, loại hình pháp lý và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Điều tra năm nay, có 1.282 doanh nghiệp FDI đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia điều tra PCI-FDI. |
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI