Khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững du lịch Long An

15:05:03 | 11/5/2023

Là cửa ngõ nối liền miền Đông Nam bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, Long An có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và kết nối du lịch. Trên cơ sở gìn giữ, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, ngành Du lịch Long An đang ngày càng phát triển, hứa hẹn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Là địa phương nằm trong vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, Long An có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, nhất là du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan và sự đa dạng hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười; hệ thống sông Vàm Cỏ,… Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng, các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, đa dạng sinh học với các loài thực, động vật,… Đặc biệt, do tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, Long An có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến du lịch vệ tinh của trung tâm đầu mối du lịch lớn nhất cả nước, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn,…

Ngoài ra, Long An hấp dẫn khách du lịch còn do giá trị nhân văn của nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa đã hình thành và phát triển tại vùng châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Đây cũng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, văn hóa - lịch sử với 125 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ. Trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh.

Đặc biệt, nhắc đến Long An không thể không nhắc đến những món ăn đặc sản như canh chua cá chốt, cá lóc nướng trui, cá linh kho nước dừa, lẩu mắm, gạo Nàng thơm chợ Đào, rượu đế Gò Đen,… Mỗi đặc sản đều mang đậm phong cách của vùng đất và con người địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm tạo đà bứt phá. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Du lịch tỉnh đạt trên 20%/năm. Năm 2022, Long An thu hút 650.000 lượt khách, tăng 88% so với cùng kỳ, tăng 54% so với kế hoạch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 3,6 triệu lượt du khách trong nước và 130.000 lượt du khách quốc tế, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150 triệu USD.

Hướng đến phát triển du lịch bền vững

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh Long An nằm trong không gian du lịch phía Đông của khu vực. Theo đó, khu vực này định hướng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử - văn hóa.

Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười; sản phẩm du lịch chính như sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác kết hợp các sản phẩm du lịch đặc thù; sản phẩm du lịch bổ trợ như xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, hàng hóa, quà lưu niệm phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết: Thời gian tới, để phát huy, nâng tầm du lịch Long An, đồng thời phát triển theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt, ngành Du lịch tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, quản lý, đầu tư, thị trường,...

Trong đó, chú trọng các giải pháp như: Rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch du lịch chi tiết, các dự án đã được phê duyệt; tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích thích xã hội hoá đầu tư phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến, tuyên truyền quảng bá; xây dựng thương hiệu và hình ảnh du lịch Long An theo chủ đề: Du lịch sông nước Vàm Cỏ và thiên đường giải trí. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền quảng bá đến các thị trường trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch tỉnh ở những đầu mối, thị trường trọng điểm.

Long An đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch đường sông, trên hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, từ tỉnh Tây Ninh trải dài xuống các huyện của Long An như: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức đổ ra sông Cần Giuộc, Cần Đước. Tỉnh cũng nâng cao công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch để khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, về di tích lịch sử văn hóa, tạo thành điểm nhấn cho những dự án du lịch trọng điểm.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh sẽ rà soát và bồi dưỡng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực. Trước mắt ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng hình thành đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng trọng điểm.

Mở rộng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước. Tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn tham gia đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đặc biệt, hướng đến phát triển bền vững, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường chung của tỉnh với môi trường du lịch. Có cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường,...

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)