10:54:37 | 18/5/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11 - Ảnh: VGP
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 21/5/2023.
Nhóm G7 được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy. Cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu.
G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu. Các thành viên nhóm G7 sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường xuyên chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm, tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội, gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20-21/5.
Khách mời của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á).
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm 3 phiên, với các chủ đề: "Hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới), "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).
Hội nghị dự kiến thông qua "Chương trình hành động Hiroshima về an ninh lương thực toàn cầu tự cường". Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Đây là hội nghị đa phương quan trọng, diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của các nước. Hội nghị được Nhật Bản đăng cai tổ chức trong vai trò Chủ tịch Nhóm G7 năm 2023, đồng thời Nhật cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2024.
Ngày 20/3/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng 2023. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ngày 26-28/5/2016 tại Nhật Bản và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ngày 9/6/2018 tại Canada. Việt Nam cũng là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay.
Điều này cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản, Chủ tịch G7 năm 2023 nói riêng và Nhóm G7 nói chung với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Chuyến công tác của Thủ tướng tới Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Hiện, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt trên 10,6 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhật Bản có 5.050 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69,4 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã phái cử hơn 350.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người.
Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51.000 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và TPHCM.
Năm 2019, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 951.962 người, đứng thứ 3, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có khoảng 23.000 công dân Nhật Bản tại Việt Nam.
Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, là một điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua, với hơn 70 văn bản hợp tác đã được ký kết và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Hợp tác phòng chống COVID-19, Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 7,4 triệu liều vaccine, hơn 4 tỷ yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế. Chính phủ, Quốc hội và địa phương ta hỗ trợ hơn 1,2 triệu khẩu trang cho Nhật Bản. Từ 11/10/2022, Nhật Bản đã nới lỏng quy chế cho phép khách du lịch Việt Nam nhập cảnh.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt 476.346 người (chiếm 16%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc), theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến tháng 6/2022. Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Nhật Bản.
Chuyến công tác làm việc tại Nhật của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển, đồng thời thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...; tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Một trong những điểm nhấn trong chương trình chuyến công tác là Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản với sự tham dự của hơn 50 tổ chức kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản sẽ góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2033.
Chuyến công tác sẽ truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm với hòa bình, phát triển và các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Nguồn: baochinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI