14:09:18 | 18/5/2023
Trong bối cảnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại được xem là yêu cầu vô cùng cấp thiết, giúp nông dân chuyển sang hình thức tổ chức sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhiều mô hình hiệu quả
Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Xác định vai trò của phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trong việc đảm bảo an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua TP. Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản.
Nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt lẫn chăn nuôi. Những mô hình nông nghiệp CNC tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượn, Quốc Oai…,… Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Tại địa bàn xã Cộng Hòa, nơi có vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với tổng diện tích 70ha, có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, thả cá quy mô lớn. Sau thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhiều chủ trang trại chưa vội tái đàn lợn mà tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm và thả cá. Điển hình là trang trại của gia đình ông Vương Đắc Nguyên ở thôn 6, chăn nuôi 23.000 con gà đẻ trên diện tích 7.000m2.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc, để thực hiện tốt việc tái đàn lợn, duy trì và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, huyện triển khai đề án “Phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa giá trị cao huyện Quốc Oai năm 2020, 2021 và định hướng đến năm 2025”. Đến nay, toàn huyện có hơn 2,6 triệu con gia cầm, thủy cầm (tăng gần 500.000 con so với năm trước), trong đó, 135 trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, sản lượng 660.000 quả/ngày; 3.800 con bò, 1.300 con trâu…
Riêng đàn lợn, toàn huyện đã tái đàn được 28.600 con và đang tập trung phát triển mô hình an toàn sinh học tại các xã: Phú Mãn, Đông Xuân, Cấn Hữu nhằm cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn sản phẩm, thịt lợn an toàn mỗi năm… Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ hóa chất (trị giá 300 triệu đồng) cho các xã Đông Yên, Hòa Thạch để xử lý môi trường chăn nuôi, thực hiện công tác vệ sinh, phòng dịch; tuyên truyền vận động các trang trại trên địa bàn huyện chủ động mua vôi bột, thuốc sát trùng và tổ chức rắc, phun tại trang trại để phòng, chống dịch bệnh…
Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, quản lý đàn gia súc giống gốc, hạt nhân nhập ngoại, sản xuất cung ứng tinh dịch lợn, tinh bò đông lạnh dạng cọng rạ, con giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi. Trong những năm qua Công ty đã được Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi, thành phố Hà Nội tin tưởng giao thực hiện nhiều chương trình phát triển chăn nuôi như: Dự án bò thịt BBB, chương trình cung ứng tinh dịch lợn... Đặc biệt với dự án phát triển giống bò thịt BBB là bước đột phá của ngành đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo ông Lê Văn Hải, hoạt động khoa học và công nghệ của Công ty là điểm sáng trong bức tranh sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao của Thủ đô. Khi đưa vào sản xuất thực tiễn mang lại hiệu quả to lớn về mặt về mặt kinh tế - xã hội. Đối với sản xuất giống bò đã làm tăng năng suất của đàn bò thịt lai tạo so với các giống trước đây khoảng 20 - 30%, đồng thời tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu "Thịt bò Hà Nội".
Tương tự tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) được xem là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và hoa lan Hồ Điệp. Mô hình nhà lưới, nhà kính đã được hợp tác xã này đầu tư, đưa vào sản xuất thực tiễn trong hàng chục năm qua.
Việc ứng dụng nhà lưới, nhà kính hiện đại giúp hợp tác xã chủ động được nhiệt độ, ánh sáng và điều tiết được sinh trưởng, phát triển của hoa lan Hồ Điệp theo ý muốn. Hệ thống làm lạnh cũng giúp hợp tác xã xử lý được ra hoa tại chỗ, đáp ứng nguồn cung theo yêu cầu thị trường, tránh tình trạng bị dư thừa. Theo chị Bùi Hường Bích - Giám đốc HTX Đan Hoài, HTX đã có những bước đồng hành cùng ngành sản xuất hoa trong nước. Những thành công bước đầu cũng đã giúp đơn vị trở thành một mô hình sản xuất hoa cao cấp tại Thủ đô, với doanh thu 4-5 tỷ đồng/ha/năm. Đơn cử, về công nghệ nhà lưới, HTX đã có thể tư vấn, thiết kế, thi công các loại nhà lưới, nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng. Không những thế, HTX còn xây dựng được thương hiệu riêng " Flora Việt Nam" và đã có được chỗ đứng tin cậy trong lòng khách hàng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa. Những năm qua, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng, hiện đang chiếm khoảng 35% tổng giá trị.
Thúc đẩy chính sách phát triển
Thực tế những năm qua, nông nghiệp công nghệ cao đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế. Dù vậy, số lượng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn bị đánh giá là quy mô hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Cho đến nay TP mới chỉ có duy nhất 1 DN được Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để phát triển nông nghiệp CNC, việc đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) được xem là một trong những giải pháp then chốt. Việc vận dụng các tính năng ưu việt của công nghệ như, công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến… sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Điều này làm giảm bớt sự lệ thuộc của quá trình sản xuất nông nghiệp vào các yếu tố tự nhiên, như thời tiết, khí hậu.
Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn TP hiện mới có khoảng 20 DN đầu tư vào sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới, và 9 DN chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản. Gần 95 hợp tác xã tại các địa phương cũng đang bước đầu tiếp cận với những phương thức sản xuất mới trên cơ sở tiến bộ khoa học.
Việc đẩy mạnh khoa học công nghệ được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Điều này cũng hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”, và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đang là đòi hỏi đặt ra cấp thiết. Nhằm triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng để trình UBND TP Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng 2030.
Bên cạnh đó, để tạo đột phá nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho DN về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội
Bảo Đan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI