14:07:36 | 12/5/2023
Năm 2022, ngành Thuế Long An đã bứt phá về đích khi lần đầu tiên số thu ngân sách của tỉnh vượt mốc kỷ lục hơn 21.000 tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt rất nhiều khó khăn, ngành Thuế Long An đang tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thuế (QLT) để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Cục thuế Long An tổ chức Lễ sơ kết và khen thưởng thực hiện hóa đơn điện tử giai đoạn I
Quyết liệt thu ngân sách
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Cục Thuế tỉnh Long An tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Triển khai đồng bộ các giải pháp QLT, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2023.
Bên cạnh đó, Cục Thuế nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo một cách chủ động, tích cực. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bao quát công tác QLT; tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc để khai thác tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu. Thường xuyên theo dõi, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp thực hiện để khai thác hết các nguồn thu.
Cục Thuế cũng triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa công tác QLT; ứng dụng phần mềm QLT tập trung ở tất cả các khâu, các đơn vị trong toàn hệ thống; điện tử hóa công tác kê khai, kế toán thuế, nộp thuế, hoàn thuế. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT), tạo môi trường pháp lý và điều kiện thuận lợi để DN, NNT thực hiện tốt pháp luật thuế.
Bên cạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tổ chức quản lý nợ thuế, xóa nợ thuế kịp thời, đúng đối tượng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, ngành Thuế còn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và nâng cao tính tuân thủ pháp luật của NNT. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận hóa đơn điện tử, chống thất thu trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử,…
Ngành Thuế còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ cùng với việc đổi mới phương thức làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức; thực hiện tốt phong cách QLT “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.
Ngoài ra, ngành Thuế sẽ phát động phong trào thi đua về công tác thu ngân sách, các chỉ tiêu về quản lý nợ thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế, khai thuế và nộp thuế điện tử theo từng thời điểm phù hợp với hướng dẫn của ngành. Tổ chức xem xét khen thưởng kịp thời NNT chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế.
Tạo thuận lợi cho NNT
Mục tiêu của ngành Thuế là thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp CCHC mà trọng tâm là tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho NNT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, cải cách QLT, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế; giảm thời gian thực hiện TTHC thuế, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của ngành Thuế.
Trong công tác cải cách TTHC thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, Cục Thuế xác định, công tác dân vận đã trở thành phương châm hành động của ngành Thuế. Bởi với công tác QLT - nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp thì công tác dân vận trong quản lý thu thuế không phải là riêng của ngành Thuế mà là công việc chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thu thuế phải thu được lòng dân”, trong công tác QLT đòi hỏi mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức thuế phải không ngừng rèn luyện, học tập về nghiệp vụ chuyên môn, thông hiểu chính sách pháp luật, đặc biệt là đẩy mạnh CCHC trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Luật thuế, các chính sách có liên quan hiện hành, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử với NNT phù hợp với từng đối tượng, từng thành phần kinh tế khác nhau, trau dồi kỹ năng tuyên truyền giải thích, vận động, thuyết phục,... nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI