09:25:04 | 25/5/2023
Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đều có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong nước. TP Hà Nội đang tiếp tục phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.
Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, thành phố Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Là vùng đất trăm nghề cùng với rất nhiều nông sản đặc sản, thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thêm sản phẩm OCOP.
Đổi mới toàn diện
Ông Trần Đức Tân, nghệ nhân làng nghề, đồng thời cũng là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xóm 5, xã Bát Tràng). Đầu năm 2023, Ông Tân đã có sản phẩm “Gốm men suối Ngọc” được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương công nhận đạt 5 sao.
Ông Tân chia sẻ: Gốm Bát Tràng nổi tiếng khắp nước, thậm chí đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, song cách làm từ trước đến nay vẫn còn mang nặng cảm tính của từng hộ kinh doanh. Tham gia chương trình OCOP sẽ là nền tảng khuyến khích các cơ sở sản xuất ở Bát Tràng đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng đến thị trường quốc tế. Từ đó, Bát Tràng sẽ trở thành trung tâm giao lưu giữa Hà Nội với cả nước trong Chương trình mỗi làng một sản phẩm. Thông qua bộ tiêu chí của OCOP giúp các hộ kinh doanh định hướng được những bước đi tiếp theo, từng bước hoàn thiện sản phẩm để nắm bắt thị trường tốt hơn, khẳng định thương hiệu gốm Bát Tràng trên thương trường.
Hơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn phát triển nghề truyền thốngHơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn phát triển nghề truyền thống. Đối với tôi đó là một vinh dự mà không phải ai cũng có được. Đây là cơ hội để HTX Tân Thịnh khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế. Ông Tân nói
Tại huyện Thanh Oai người dân cũng có cách làm tương tự. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình, Chương trình OCOP góp phần mở rộng thị trường, tạo đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, làng nghề kịp thời nắm bắt cơ hội, giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, đầu tư khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, hòa cùng xu thế phát triển của huyện Thanh Oai và TP. Hà Nội. Sản phẩm OCOP Thanh Oai phân hạng chủ yếu thuộc 02 nhóm ngành: thủ công mỹ nghệ và thực phẩm. Một số sản phẩm tiêu biểu như: nón lá làng Chuông (xã Phương Trung); sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhựa giả mây (xã Kim Thư)… tham gia đánh giá lần đầu và sản phẩm được đánh giá lại gồm: gạo nếp cái hoa vàng, gạo Bắc thơm số 7 (xã Tam Hưng) và giò bì lợn, nem chua, giò xào… (xã Tân Ước).
Với huyện Chương Mỹ chính quyền địa phương đã khai thác lợi thế từ các làng nghề truyền thống. Huyện đã lựa chọn, đánh giá được 104 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, chiếm số lượng lớn là các sản phẩm mây, tre, giang đan của các nghệ nhân làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa)
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lũy kế đến nay, thành phố đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao). Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Đưa OCOP vươn xa
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Và với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại… đã được đánh giá, phân hạng OCOP các năm qua.
Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng). Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện chủ trương của thành phố, tại huyện Đan Phượng, 97 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng OCOP của huyện đã được cập nhật lên trangdulichdanphuong.com và tuyên truyền các chủ thể tham gia sàn thương mại điện tử Voso, Postmart. Còn mới đây, huyện Thanh Trì cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội chợ giống vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, giúp quảng bá hàng trăm các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
Các hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài tiếp tục được thực hiện với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo”. Sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường. Để sản phẩm OCOP vươn xa hơn thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục coi trọng chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông; tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động của các cấp, các ngành và các chủ thể, chắc chắn thành phố sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và tăng sức tiêu thụ trong, ngoài nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)