Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

14:52:21 | 23/6/2023

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã có Công văn số 4174/VPCP-KHTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về mức giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như 2 lần trước đây (theo hướng giảm 50% mức thu LPTB) và áp dụng kể từ ngày 1/7/2023. Trước đó, theo Công văn số 4019/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý thực hiện xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính đã có Công văn số 5836/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, TP và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lấy ý kiến dự án nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giảm 50% LPTB cho ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tháo gỡ khó khăn cho DN

Theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế xã hội trong nước từ đầu năm đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có cả ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của ngành đã có sự suy giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022, cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với các DN. Chỉ tính riêng doanh số bán hàng trong 2 tháng cuối năm 2022 đã giảm mạnh và đặc biệt tháng 1/2023 sụt giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước liền kề. Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cho đến hết tháng 4/2023 giảm 34% (khoảng 42.000 xe) so với cùng kỳ năm trước.

 Để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trung ương về mức thu LPTB tại địa phương. Thời gian áp dụng kể từ khi nghị định có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP và các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.

Thúc đẩy sức tiêu thụ trong nước

Bộ Tài chính đánh giá, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế xã hội. Tuy nhiên, về mặt số thu NSNN đối với LPTB, có thể giảm khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Nếu như thời điểm năm 2020 và 2022 do đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát, nên việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu người dân. Nhờ đó, nguồn thu NSNN từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT đã bù đắp được phần giảm thu LPTB về mặt chính sách. 

Còn giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng đã khác, nhu cầu mua xe có thể thấp hơn. Do vậy, trong bối cảnh này, nếu thực hiện chính sách làm tăng thu thuế TTĐB và thuế GTGT, nhưng có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB. Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương. Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước làm tăng lượng tiêu thụ và đăng ký, nên số thu LPTB, thuế GTGT và thuế TTĐB có thể tăng. Tuy nhiên, thực tế số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương (Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM- nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương; 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này. Thực tế đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Hơn nữa, chính sách này sẽ tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về lý thuyết có thể bị tham vấn, khiếu nại, song thực tế khả năng bị khởi kiện  không cao, do việc khởi kiện chỉ nhằm chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, không thể nhằm vào một biện pháp đã kết thúc trong khi thời hạn áp dụng của nghị định ngắn…

Trước đó, vào các năm 2020 và 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020); Nghị định số 103/2021/NĐ-CP quy định tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022). Nghị định số 70/2020/NĐ-CP giúp lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu đạt là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Còn Nghị định số 103/2021/NĐ-CP giúp lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu đạt 398.177, tăng từ 1,2 - 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021 và chiếm gần 50% tổng số xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký năm 2022. Tổng số NSNN giảm sau 2 lần thực hiện chính sách giảm LPTB này là khoảng 16.041 tỷ đồng.

Lê Hiền (Vietnam Business Forum)