Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: Điểm sáng trong công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

09:33:36 | 12/7/2023

Trong suốt hành trình hơn 20 năm kể từ khi thành lập (năm 2002), các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng và phát triển VQG Bù Gia Mập trở thành điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ động vật hoang dã,…

Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc BQL VQG Bù Gia Mập cho biết: Ngày đầu mới thành lập, Vườn chỉ có 30 cán bộ, viên chức, người lao động, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phương tiện còn lạc hậu, thô sơ. Người dân tại địa phương chủ yếu là người dân tộc bản địa, người di cư từ phía Bắc vào, vì vậy đời sống của họ còn nghèo nàn, chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng của Vườn nên công tác bảo vệ rừng trong giai đoạn này gặp nhiều gian truân, vất vả. VQG Bù Gia Mập đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức, khắc phục mọi khó khăn để tập trung phối hợp với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao.

Với diện tích 25.598,18ha, VQG Bù Gia Mập là khu vực rừng liền vùng, liền khoảnh có trữ lượng động, thực vật lớn duy nhất còn lại của tỉnh Bình Phước. Đây là nơi bảo tồn mẫu chuẩn sinh thái và các nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới, đặc trưng cho đới chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mà các khu vườn quốc gia khác không có được. Với tầm quan trọng đó, Ban quản lý (BQL) VQG Bù Gia Mập đặc biệt quan tâm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng dân cư địa phương. Về vấn đề này, ông Vương Đức Hòa chia sẻ: “Đến giờ phút này, Vườn tự hào, tự tin khi đã nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các cộng đồng vùng đệm cùng xây dựng bảo vệ, phát triển rừng và khẳng định giá trị về đa dạng sinh học. Cụ thể, năm 2003, diện tích giao khoán của Vườn là 2.600ha và chỉ có 2 đơn vị tham gia. Đến nay, diện tích giao khoán lên tới 25.487ha, với 15 đơn vị nhận khoán. Tham gia nhận khoán là gần 600 hộ, với thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/hộ/tháng. Đây là thu nhập đáng kể để các hộ tham gia nhận khoán có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và trang trải sinh hoạt. Nhờ vậy, giảm tình trạng xâm hại rừng đồng thời góp phần nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng, ngoài xây dựng, lắp đặt các biển hiệu, khẩu hiệu, pa nô, áp phích thì BQL Vườn còn tuyên truyền bằng nhiều hình thức như gắn với họp dân, chiếu phim, tuyên truyền lưu động, trực tiếp đến từng nhà dân, tổ chức các hội thi vẽ tranh, hỏi - đáp,… Trọng tâm các buổi tuyên truyền là giới thiệu với người dân về vai trò, giá trị quan trọng của rừng, hướng dẫn nhận diện một số loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới,… triển khai quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và kêu gọi nhân dân chung tay bảo vệ. Việc đa dạng các hình thức tuyên truyền đã tạo sự hứng thú, thu hút đông người dân hưởng ứng, tham gia.

Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, BQL Vườn cũng đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Không chỉ đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, BQL còn quan tâm chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Đến nay, đã có 5 đề tài cấp tỉnh được đơn vị thực hiện. Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật cũng được chú trọng, khi đã có hàng ngàn cá thể động vật hoang dã được cứu hộ, chăm sóc, thả về môi trường tự nhiên. Qua 20 năm thành lập, không chỉ hoàn thành tốt trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học của rừng,  VQG Bù Gia Mập cũng đã thực hiện hoàn chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực hiệu quả. Hiện lực lượng kiểm lâm của VQG Bù Gia Mập có 54 cán bộ, nhân viên, trong đó có 30 công chức và 24 nhân viên lao động hợp đồng được bố trí tại Văn phòng Hạt kiểm lâm, 1 tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, 11 trạm kiểm lâm và 7 chốt bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn có gần 600 hộ dân vùng đệm đang tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đóng ở 12 chốt.

Ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, VQG Bù Gia Mập đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, các cấp, ngành Trung ương và tỉnh Bình Phước khen thưởng. Đặc biệt, Vườn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, VQG Bù Gia Mập có 39 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị qua các thời kỳ đã không quản gian khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Trụ sở Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập 

 

Tiềm năng không giới hạn

Trong những năm qua, VQG Bù Gia Mập đã dần hình thành nhiều loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng. Du lịch từ rừng từng bước thu hút nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm thiên nhiên hoang dã. Từ đó, góp phần tạo nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và hơn hết là góp phần giáo dục môi trường, khơi dậy tình yêu thiên nhiên cho du khách.

Đáng chú ý, ngày 31/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1030/UBND-NC về việc thuận chủ trương cho BQL VQG Bù Gia Mập tiếp người nước ngoài đến thăm quan, du lịch. Theo đó, khu du lịch sinh thái cấp tỉnh VQG Bù Gia Mập được đón khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan, trải nghiệm và hòa mình cùng thiên nhiên hoang dã; đồng thời phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật. Đây được xem là “cú hích” cho phát triển du lịch nơi đây.

VQG Bù Gia Mập là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước. Nơi đây không chỉ sở hữu nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú mà còn nhiều giá trị về văn hóa, con người tại các xã vùng đệm. Những năm qua, VQG Bù Gia Mập đã đạt kết quả bước đầu trong phát triển du lịch sinh thái. Với tiềm năng to lớn, ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Bình Phước đã có Quyết định số 1693/QĐ-UBND công nhận khu du lịch sinh thái VQG Bù Gia Mập là khu du lịch cấp tỉnh.

Ông Vương Đức Hòa chia sẻ: “Để VQG Bù Gia Mập là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, BQL sẽ chú trọng nhiều hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, Vườn cũng cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong việc tháo gỡ về chính sách, thủ tục để thuận lợi cho du khách đăng ký thăm quan”.

Phát huy những kết quả đạt được trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VQG Bù Gia Mập sẽ tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Nỗ lực vượt khó vươn lên, phấn đấu sớm đưa VQG Bù Gia Mập trở thành một trong những trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái tầm cỡ trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025 đạt được các danh hiệu Vườn Di sản ASEAN (AHP); Khu dự trữ sinh quyển Thế giới lấy Vườn quốc gia Bù Gia Mập làm vùng lõi. Nâng tổng số cây di sản được cộng nhận lên khoảng 500 cây.

Nguồn: Vietnam Business Forum