09:10:03 | 10/7/2023
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả khả quan. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Giá trị giao dịch qua ngân hàng trung bình lên tới 900.000 tỷ đồng (tương đương với hơn 40 tỷ USD) với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày. Đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí/doanh thu của các ngân hàng đã giảm khoảng 30%, giúp tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Lá cờ đầu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia
Ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810). Sau hai năm triển khai thực hiện, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngân hàng là một trong các Bộ, ngành, địa phương luôn được biểu dương về những nỗ lực, cố gắng, đạt kết quả đi đầu trong triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ... đóng góp quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021 NHNN được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số.
Để theo kịp với dòng chảy số hóa, nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở... Theo thống kê NHNN, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3, 4 năm qua).
Đến nay, có tới 96% ngân hàng và TCTD đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nhiều TCTD chuyển đổi số ở TOP đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số ; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30- 40%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Theo số liệu của NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: giao dịch TTKDTM tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.
Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính cũng như nguồn lực mà mỗi ngân hàng có mức độ chuyển đổi số khác nhau, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hầu hết các NHTM Việt Nam cũng đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số và nỗ lực tạo sự khác biệt cho sản phẩm số giữa các NHTM, như: Vietcombank có VCB Digibank, VietinBank iPay của VietinBank, BIDV SmartBanking của BIDV, hay eBank X của TPBank, Ebanking của HDBank…
Nhiều công nghệ hiện đại, đột phá đòi hỏi đầu tư lớn về nhân sự và tài lực như giải pháp thanh toán điện tử, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học… đã được các ngân hàng ứng dụng vào hoạt động nhằm kết nối với trải nghiệm đa kênh của người dùng (xây dựng hồ sơ động của khách hàng theo thời gian thực để hỗ trợ hành trình của khách hàng liền mạch trên các kênh kỹ thuật số và vật lý), tăng trải nghiệm khách hàng; tối ưu hóa quy trình dịch vụ (sử dụng dữ liệu hoạt động trong quá khứ của khách hàng để gợi ý sản phẩm dịch vụ phù hợp)…
Các ngân hàng và TCTD đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến như điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), AI/ML… trong việc đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực để tự động hóa các hoạt động, ra các quyết định kinh doanh, kiểm soát rủi ro…
Đáng chú ý, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc ngành ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06 để ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đó là Dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ tháng 12/2022. NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…
Tạo thuận lợi cho quá trình CĐS ngành ngân hàng
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên CĐS do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngành ngân hàng CĐS nhanh sẽ thúc đẩy cả nước CĐS nhanh; góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra trong năm 2023 là “năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”; thực hiện tốt quan điểm phát triển đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS”.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức. Đó là các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng… còn cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới; việc đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để tạo lập hệ sinh thái số cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc cân đối bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số một cách hợp lý, hiệu quả trong đầu tư; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ và công nghệ số cũng đang là vướng mắc lớn mà ngành ngân hàng cần tháo gỡ… Đặc biệt, xu hướng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, rủi ro an ninh mạng đang gia tăng và vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số.
Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam, theo Phó Thống đốc, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và các Thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử,..
Bên cạnh đó, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng.
Đặc biệt, theo Phó Thống đốc, NHNN sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI