Nền tảng vững chắc xây dựng Nông thôn mới

13:11:05 | 7/8/2023

Xác định tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình OCOP và coi đây là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Rất nhiều sản phẩm OCOP của Gia Lâm đã được đánh giá cao và dần thăng hạng trên thị trường do người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, tính đến nay toàn huyện có tổng số 119 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 5 sản phẩm đạt 5 sao, 85 sản phẩm đạt 4 sao, 29 sản phẩm đạt 3 sao (đặc biệt có sản phẩm OCOP Du lịch Phù Đổng Green Park đạt 4 sao). Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của các làng nghề, phát huy thế mạnh của các địa phương thuộc trên địa bàn huyện như: Làng gốm Bát Tràng, Kim Lan; Dát quỳ vàng Kiêu Kị, Rau Văn Đức,…

Giữ vững tiêu chí đánh giá

Để giữ vững các tiêu chí đánh giá, phân hạng cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP, huyện Gia Lâm đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của các chủ thể. Ngoài ra, đối với các sản phẩm là thực phẩm, dược liệu,…, Theo Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm; để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, phòng tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng và các xã tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng quỳ và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp; Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, quả an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá… gắn với du lịch làng nghề văn hóa, sinh thái trải nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định, việc xây dựng, phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP rất quan trọng, qua đó khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng… Mỗi năm, huyện sẽ tổ chức ít nhất một chuyến đi thực tế cho cán bộ, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đến các huyện, tỉnh, thành phố đang thực hiện tốt Chương trình OCOP… Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, triển khai xây dựng thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP khác gắn với các địa điểm du lịch làng nghề, sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn, góp phần quảng bá sản phẩm tiêu biểu của huyện tới khách thập phương, tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ và tăng thu nhập cho người dân làng nghề.

Có được thành tựu như hôm nay là bởi ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình OCOP, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ... Đến nay, Chương trình OCOP đã hòa nhịp và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Gia Lâm. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM kiểu mẫu mà còn góp phần thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề… Từ đó từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho cư dân nông thôn.

Nâng chất sản phẩm đã được đánh sao

Để Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn nâng cấp các sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng, nâng thứ hạng sao đối với sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP.  Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm đã tham mưu UBND huyện triển khai trưng bày các sản phẩm OCOP và làng nghề tại các sự kiện lớn của huyện, tạo hiệu ứng tốt trong quảng bá sản phẩm, trong đó có các sự kiện như: Tuần lễ du lịch Bát Tràng, lễ hội Gióng đền Phù Đổng...Huyện cũng phối hợp với UBND xã Dương Xá và 9 chủ thể OCOP tổ chức triển khai các gian hàng tại Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm tại khu vực Đền Nguyên phi Ỷ Lan, xã Dương Xá.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với những kết quả bước đầu đạt được, để chương trình OCOP đạt kết quả cao đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể thực hiện cùng chung tay triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, đó sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội cho rằng: Chương trình OCOP bao hàm các giải pháp hỗ trợ tổng thể đối với các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, trong đó tập trung vào ba khía cạnh chính: Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế của các địa phương; Thúc đẩy sự sáng tạo để hình thành các sản phẩm gắn với nhu cầu của thị trường (yêu cầu về an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, sự tiện dụng…), nhưng vẫn bảo đảm sự đặc sắc và nổi trội (đặc biệt về chất lượng, văn hóa truyền thống…); Tập trung nâng cao năng lực của các chủ thể kinh tế (quản trị, tổ chức sản xuất và marketing...), đặc biệt là hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, kế hoạch xây dựng, phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của Gia Lâm trong thời gian tới là rất quan trọng, qua đó khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; Phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng…

Đình Bảo (Vietnam Business Forum)