Huyện Sóc Sơn: Động lực phát triển kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP

09:55:39 | 25/7/2023

Triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Sóc Sơn có 76 sản phẩm OCOP được UBND thành phố Hà Nội công nhận (trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao).Các sản phẩm OCOP được đánh giá đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng cao

Các sản phẩm OCOP của Sóc Sơn tập trung ở 2 lĩnh vực thế mạnh là chế biến thực phẩm (chiếm 84,3%) và hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí (chiếm 15,7%). Mặc dù không có nhiều làng nghề như các quận, huyện khác của TP Hà Nội, nhóm ngành thủ công - mỹ nghệ - trang trí tại các làng nghề mộc của Sóc Sơn vẫn được quan tâm, hỗ trợ với nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân được xem là một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP tại huyện Sóc Sơn. Trong hai năm qua, đơn vị này đã có gần 20 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Trong khi đó, Công ty CP KMS đầu tư sản xuất và thương mại cũng không đứng ngoài cuộc với nhóm sản phẩm nấm đùi gà, nấm hương, nấm ngọc châm, nấm sò yến được cấp 4 sao OCOP…

Theo chị Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Trí Lan, đơn vị có một sản phẩm được TP Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 3 sao: Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Từ khi tham gia chương trình OCOP, cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền huyện Sóc Sơn, xưởng đã mày mò tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng để dự thi và mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Thông qua các hội chợ, trang thông tin, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Trí Lan được nhiều người biết tới hơn

Với định hướng đa dạng hóa và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, vực dậy các làng nghề của địa phương, huyện Sóc Sơn đã huy động nguồn lực mở các lớp tập huấn để tháo gỡ những khó khăn cho các chủ thể trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ kinh phí in tem, nhãn mác, mã QR, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Ngày 21/01/2022, huyện Sóc Sơn chính thức ra mắt trang web:socsonshop.com để quảng bá giới thiệu các sản phẩm của huyện, đặc biệt là sản phẩm OCOP.

Trưởng phòng Kinh tế huyệnSóc Sơn Hoàng Thị Hà chia sẻ: các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, không ít trường hợp trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụở quy mô nhỏ, nhờ được gắn "sao" OCOP đã mở rộng sản xuất, thị trường, thậm chí vươn tầm quốc tế.

Sáng tạo để phát triển bền vững

Trong năm 2023, huyện Sóc Sơn phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 03 sao trở lên. Định hướng đến năm 2025, toàn huyện có từ 200 sản phẩm OCOP và xây dựng được ít nhất 01 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Trang web thương mại điện tử huyện Sóc Sơn hiện có riêng một mục trưng bày và bán các sản phẩm tranh gạo. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao của hộ sản xuất Vân Quân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn), được đánh giá là điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP toàn huyện. Theo chị Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở sản xuất Vân Quân đã cần mẫn, sáng tạo và biến những hạt gạo trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo, tạo được việc làm có thêm thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi của địa phương.

Để hạt gạo có màu ngả vàng, gạo cần rang trong vòng 30 phút. Muốn tạo màu nâu đen, gạo lại phải rang trên lửa trong 6 tiếng. Lâu hơn nữa, tới 7-8 tiếng gạo sẽ cho màu đen sẫm. Để hạt gạo rang đều đẹp màu, óng ả kỹ thuật rang phải chắc, luôn quan sát không rời mắt. Ðặc biệt không được dùng phẩm màu sẽ khiến hạt gạo bị mốc, dễ phai màu. Mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều mẻ gạo rang, chị đã tạo ra được 42 màu sắc khác nhau. Đến nay, sản phẩm tranh gạo Vân Quân không chỉ được biết đến rộng rãi trong nước mà nhiều du khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú với sản phẩm này. Rất nhiều cơ quan, đoàn thể đặt mua tranh gạo để làm quà tặng. Mỗi bức tranh bán ra thị trường với giá từ 120.000 nghìn đến 300.000 nghìn đồng, có bức lên đến 25 triệu đồng.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, tranh gạo của hộ sản xuất chị Vân là sản phẩm hết sức độc đáo, được tạo nên từ ý tưởng sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người nông dân. Ngoài khía cạnh phát triển kinh tế nông thôn, tranh gạo còn là phương thức quảng bá văn hóa Việt Nam rất đáng trân trọng. Những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo như trên là hết sức cần thiết góp phần làm cho bức tranh kinh tế nông thôn tại Sóc Sơn ngày càng đa sắc. Sở NN&PTNT và văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu… Qua đó, khơi dậy tiềm năng từ các sản phẩm truyền thống của địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội

Ngọc Minh (Vietnam Business Forum)