10:40:41 | 24/7/2023
Trải qua chặng đường hai thập niên kể từ khi khu công nghiệp (KCN) đầu tiên thành lập (năm 2003), Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn nỗ lực hết mình để thúc đẩy phát triển các KCN và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong KCN hoạt động hiệu quả, tạo động lực đối với sự phát triển của tỉnh. Ông Phạm Trường Tam - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên chia sẻ về vấn đề này.
Ông có thể cho biết nét khái quát nhất về bức tranh các KCN Hưng Yên hiện nay?
Tỉnh Hưng Yên được quy hoạch phát triển 17 KCN (diện tích 4.395,43ha); trong đó, 11 KCN được chấp thuận chủ trương/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích 2.873,38ha; tổng vốn đăng ký 14.395 tỷ đồng và 397,7 triệu USD, gồm:
- 8 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án: Phố Nối A, Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Minh Đức, Yên Mỹ, Yên Mỹ II, Minh Quang và KCN Sạch. Các KCN hiện có 521 dự án còn hiệu lực (287 dự án FDI và 234 dự án DDI) với tổng vốn đăng ký 5,7 tỷ USD và 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 1.062ha, tỷ lệ lấp đầy 50,3%. Tổng số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 446 dự án (249 dự án FDI và 197 dự án DDI) với vốn thực hiện 4,3 tỷ USD và 27.000 tỷ đồng. Các dự án đã tạo 78.000 việc làm; năm 2022 doanh thu đạt 5,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu 3,1 tỷ USD, giá trị nhập khẩu 2 tỷ USD và đóng góp vào ngân sách nội địa 2.700 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.600 tỷ đồng).
- 9 KCN trong quá trình triển khai, chưa hoạt động, gồm: Kim Động, Tân Dân, Lý Thường Kiệt, số 01, số 03 số 5, số 6, Thổ Hoàng và Tân Á Đại Thành.
Đâu là những dấu ấn nổi bật trong hai thập niên xây dựng, phát triển các KCN tỉnh Hưng Yên, nhất là việc phát huy vai trò của Ban Quản lý các KCN, thưa ông?
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên được thành lập theo Quyết định số 183/2003/QĐ-TTg, ngày 08/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Ban là cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCN theo quy định của pháp luật.
Trong 20 năm qua, việc đầu tư, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh.
Các KCN triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo sự thống nhất, tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; được quy hoạch tại vị trí thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, kết nối hạ tầng giao thông đối ngoại. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường được chú trọng ngay từ khâu lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu phát triển bền vững.
Với việc đảm bảo tốt về mặt bằng cùng sự phân cấp, ủy quyền cho Ban thực hiện theo cơ chế “một cửa, một đầu mối” đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kết quả thu hút đầu tư từng bước nâng lên cả số lượng và chất lượng. Nếu năm 2003 chỉ có 30 dự án (5 FDI và 25 DDI) với tổng vốn đăng ký 120 triệu USD thì sau 20 năm phát triển đã có 491 dự án (gấp 16 lần) với tổng vốn 7,1 tỷ USD (gấp 55 lần).
Các dự án tập trung vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực: Cơ khí, luyện kim; sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dệt may và da giày, bao bì.,... Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư đến từ 22 các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Italia, Đức, Thụy Sỹ,...
Một số dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao do các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, như: Các dự án của Toto với tổng vốn đầu tư 403 triệu USD, Dự án của Nippon Mektron với tổng vốn 300 triệu USD, các dự án của Kyocera với tổng vốn 385 triệu USD, Dự án Hoya với tổng vốn 214 triệu USD; Dự án của Tôn Hòa Phát với tổng vốn 4.300 tỷ đồng,...
Thông qua việc thu hút các dự án FDI làm cầu nối cho doanh nghiệp trong nước kế thừa, tiếp cận, ứng dụng nền công nghiệp hiện đại từ các nước phát triển. Nhờ đó, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, gia tăng năng lực sản xuất, đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh.
Vốn đầu tư nước ngoài rót vào các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên tăng mạnh thời gian qua
Ban đã tham mưu, phối hợp ra sao nhằm triển khai hiệu quả Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh?
Hiện số lao động trong các KCN tại Hưng Yên có 78.000 người. Số lao động ngoại tỉnh chiếm 40% (31.200 lao động) và một bộ phận lao động địa phương ở xa nơi làm việc có nhu cầu về nhà ở. Xuất phát từ tính cấp thiết về nhu cầu nhà ở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 8/10/2021 về Đề án Phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động trong và ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 152/KH-UBND ngày 09/9/2022, thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy. Kế hoạch của UBND tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ giải quyết 50% số công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở.
Để đảm bảo nhà ở cho người lao động, Ban đã đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN, nhất là các KCN đã đi vào hoạt động ổn định có nhiều lao động nghiên cứu, khảo sát và đề xuất UBND tỉnh bố trí quỹ đất để quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở. Tính đến nay, một số chủ đầu tư đã tổ chức quy hoạch phát triển một số dự án như: Dự án nhà ở công nhân KCN Phố Nối A và Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp KCN Yên Mỹ II do Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát lập quy hoạch; Dự án khu nhà ở công nhân và dịch vụ KCN Dệt may Phố Nối do Công ty CP phát triển hạ tầng Dệt may Phố Nối lập quy hoạch. Bên cạnh đó, một số dự án cũng đang trong quá trình đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch.
Ông có thể cho biết tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển các KCN Hưng Yên được đánh giá, thể hiện ra sao trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để Hưng Yên và các KCN của tỉnh hấp dẫn nhà đầu tư hơn nữa, Ban đang tham mưu, thực hiện tháo gỡ các “điểm nghẽn” nào?
Tỉnh Hưng Yên đang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó ưu tiên phát triển các KCN tại các vị trí thuận lợi về giao thông đối ngoại. Đây là động lực lớn và quan trọng để hình thành và phát triển các KCN tập trung, qua đó góp phần đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trước năm 2030. Để các KCN hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nữa, Ban tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Quá trình quy hoạch phát triển KCN, đặc biệt là việc lựa chọn vị trí xây dựng, quy mô xây dựng, chọn ngành công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung, với tiềm năng và lợi thế, với điều kiện cơ sở hạ tầng của khu vực và đảm bảo an ninh quốc phòng.
-Lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, quản lý và năng lực thu hút đầu tư.
- Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng KCN trong công tác vận động thu hút đầu tư vào trong các KCN, tập trung thu hút chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, đảm bảo theo đúng định hướng của tỉnh.
- Hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất phải gắn với bảo đảm môi trường và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát huy hiệu quả công tác quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại Ban, đảm bảo yêu cầu nhanh gọn, chính xác. Thực hiện tốt quy chế phối hợp với các sở, ngành trong việc giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp có năng lực, trình độ và phẩm chất, đạo đức tốt.
- Đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển các KCN. Huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển các khu nhà ở cho người lao động đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và phúc lợi xã hội cho người công nhân KCN.
Trân trọng cảm ơn ông!
Source: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI