09:44:29 | 24/7/2023
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, công tác chuyển đổi số (CĐS) được triển khai toàn diện.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2026 giữa UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn FPT
Nâng cao tính minh bạch
Theo ông Bùi Văn Sỹ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên: Chỉ số Tính minh bạch của tỉnh trong năm 2022 còn khá thấp, nguyên nhân do các thông tin về đấu thầu, đầu tư công, ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư, các văn bản điều hành, chỉ đạo, văn bản pháp luật của tỉnh,... đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan, địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ. Giao diện, tính năng, tiện ích chưa đổi mới; xây dựng các chuyên mục chưa khoa học, khó nhận diện,... nên người dân, doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp cận thông tin theo hướng trực tiếp (tại cơ quan, tổ chức). Trong khi đó Danh mục các thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng thông tin điện tử còn khó tìm kiếm, chưa đầy đủ, vẫn đặt đường link đến trang/cổng thông tin khác để tìm kiếm.
Để khắc phục hạn chế này, Sở đã tham mưu, kiến nghị với tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh và thành phần đảm bảo sử dụng nhiều ngôn ngữ, có giao diện dễ sử dụng và các chuyên mục phải dễ nhận diện, dễ tìm kiếm. Tỉnh cũng cần câng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đảm bảo dễ sử dụng, đặc biệt sử dụng lại các thông tin, thành phần hồ sơ đã từng thực hiện DVCTT; đẩy mạnh cung cấp DVCTT toàn trình và thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hoàn toàn trực tuyến, nhất là các TTHC có số lượng hồ sơ tiếp nhận nhiều. Hưng Yên phải tăng cường cung cấp đầy đủ thông tin lên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm cung cấp đầy đủ các thông tin: Các chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, ngành, địa phương; các luật, pháp lệnh, quyết định của Trung ương; các văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, huyện; chính sách ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư,... đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT.
Các đại biểu tham dự khai trương mạng di động 5G Viettel trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vào tháng 10/2022
Đẩy mạnh CĐS
Qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, Hưng Yên đã đạt được một số kết quả. Nổi bật, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và nhiều kế hoạch về phát triển chính quyền số, CĐS nói chung và theo ngành, lĩnh vực nói riêng như: Giáo dục, văn hóa, công thương, nông nghiệp.
Cụ thể như về xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, các cơ quan, đơn vị đều được trang bị máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức, có hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN) được kết nối internet băng thông rộng và kết nối đến mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước của tỉnh. Tỉnh đã ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và các đơn vị sự nghiệp có nhu cầu để thống nhất việc quản lý, điều hành công việc được xuyên suốt, nhanh chóng. Ngoài ra các cơ quan, đơn vị đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh như: Camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông; Cổng DVCTT và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; Kết nối một số hệ thống thông tin của tỉnh với các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin của bộ, ngành để khai thác dữ liệu.
Đặc biệt, hệ thống thông tin giải quyết TTHC (hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Một cửa điện tử) được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hiện đang cung cấp 937 DVCTT toàn trình và 645 DVCTT một phần trên tổng số 1829 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Về kinh tế số, trên địa bàn tỉnh có trên 12.000 DN, trong đó 380 DN có ngành nghề kinh doanh chính là điện tử viễn thông, công nghệ; 3.000 DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến CĐS. Tỉnh đã xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ người dân, hộ sản xuất bán các sản phẩm nông nghiệp ra bên ngoài. Tỷ lệ dân số của tỉnh có tài khoản thanh toán ngân hàng khoảng 86%; 100% các dịch vụ thiết yếu như: Điện, nước, viễn thông, trong các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Về xã hội số, mạng lưới cáp quang được lắp đặt đến 100% thôn, tổ dân phố, trong đó trên 90% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng, tốc độ cao; trên 70% thuê bao sử dụng dịch vụ truy cập internet 3G và 4G; 1,36 triệu thuê bao điện thoại.
Kết quả thực hiện ở các nội dung ưu tiên như sau:
Lĩnh vực y tế: Triển khai các nền tảng về hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa được triển khai tới tuyến huyện; nền tảng quản lý tiêm chủng được triển khai tới tất cả các đơn vị tiêm chủng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân trên địa bàn tỉnh, với hơn 90% người dân có mã hồ sơ sức khỏe điện tử.
Lĩnh vực giáo dục: Triển khai dạy học qua internet thông qua một số hệ thống hỗ trợ dạy học trực tuyến và các công cụ đang được ứng dụng phổ biến.
Lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn: Triển khai ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử truy xuất nguồn gốc; xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản nhằm tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Lĩnh vực công nghiệp và thương mại: Triển khai xây dựng Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hưng Yên. Hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bằng các phương tiện điện tử.
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Tỷ lệ dân số của tỉnh có tài khoản thanh toán ngân hàng khoảng 86%; các dịch vụ thiết yếu như: Điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, tiểu thương tại các chợ được thanh toán qua tài khoản điện tử không dùng tiền mặt.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI