Phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực thu hút đầu tư

09:46:23 | 24/7/2023

Với sự vào cuộc sát sao của chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN), tỉnh Hưng Yên đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải  (GTVT) tỉnh Hưng Yên Trần Minh Hải đã có chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.


Cầu Bắc Hưng Hải và Dự án đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên vừa khánh thành đã giúp lộ trình từ Hà Nội đi Hưng Yên rút ngắn được 20km

Những năm gần đây, ngành GTVT đã nỗ lực ra sao trong việc kết nối các tiềm năng, lợi thế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của DN và nhà đầu tư?

Sở GTVT xác định việc xây dựng Quy hoạch tổng thể GTVT có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở để chỉ đạo phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Với sự quan tâm của Trung ương và nỗ lực của tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông đã phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình thiết yếu được đưa vào sử dụng. Nổi bật như tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu Hưng Hà; tuyến đường vành đai 3,5, vành đai 4 - Hà Nội đã được quy hoạch chi tiết và cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa; dự án nâng cấp, mở rộng QL.38 đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên; hoàn thành dự án xây dựng cầu La Tiến,…

Tỉnh cũng đã đầu tư nâng cấp, mở rộng 1.164km đường các loại, trong đó đầu tư 87,4km đường tỉnh, cụ thể: Hoàn thành các Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 200 (nay là ĐT.376); xây dựng cầu Minh Tân và đường dẫn; đường nối trục kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hưng Yên với đường ĐT.281 tỉnh Bắc Ninh; dự án cải tạo nâng cấp ĐT.386 đoạn Trần Cao đến La Tiến, dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.382, đường trục kinh tế Bắc - Nam đoạn từ đường sắt (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm) đến cầu vượt QL.5,… Cùng với đó là nhiều đường huyện, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo, góp phần hoàn thành chỉ tiêu 145/145 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện, Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư 2 dự án giao thông trọng điểm: Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378). Đây là các tuyến giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo hành lang để hình thành lên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, cụm, khu công nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ý nghĩa của việc Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 12/4/2023)? Đâu là điểm nhấn nổi bật trong điều chỉnh này, thưa ông?

Sở GTVT tỉnh đã tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 12/4/2023.

Điểm nhấn nổi bật của lần điều chỉnh này là tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn  đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, một số tuyến đường sẽ được hình thành, đầu tư tạo sự kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, đi lại được thuận lợi, tạo điều kiện thu hút đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, các nhà đầu tư và của nhân dân; tạo động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế - chính trị - xã hội.

Hiện nay, UBND tỉnh giao cho ngành GTVT triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo theo quy hoạch, theo Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 05 năm giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh quản lý dự kiến bố trí cho lĩnh vực giao thông (chưa bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) là 36.797.739 triệu đồng; các dự án điển hình như: Tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình (giai đoạn II); dự án xây dựng tuyến đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối QL39 với ĐT.376,... và các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư: Tuyến đường bộ kết nối di sản văn hóa, du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng; dự án đường kết nối ĐT.387 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100); dự án đường Tân Phúc - Võng Phan;…

Ông có thể cho biết phương hướng phát triển hệ thống GTVT được đánh giá, thể hiện ra sao trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Về đường bộ, cải tạo, nâng cấp để năng lực của mạng lưới đường bộ đáp ứng được mức tăng trưởng vận tải trung bình 9-10%/năm. Tập trung nâng cao tốc độ khai thác trên các tuyến đường bộ, tối ưu mạng lưới để rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận đến các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, khu di tích, khu du lịch của tỉnh.

Về đường thủy nội địa: Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa từng bước đồng bộ, hiện đại cả về luồng tuyến, cảng bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ, kết nối thuận lợi với các phương thức khác; đặc biệt chú trọng phát triển vận tải hàng hóa đa phương thức, dịch vụ logistics, điểm thông quan nội địa, vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và các loại hình vận tải hành khách phục vụ du lịch. Tập trung nạo vét luồng tuyến chính có năng lực vận tải lớn như sông Sặt, sông Cửu An; khắc phục các điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên địa bàn tỉnh.

Về đường sắt: Phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương lân cận duy trì tuyến đường sắt hiện có; từng bước đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; hoàn thiện kết nối đường sắt tại các khu đầu mối; di dời ga Lạc Đạo kết nối đường sắt quốc gia và cảng cạn (ICD).

Trân trọng cảm ơn ông!

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, Sở GTVT đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Cụ thể như: Kế hoạch tuyên tuyền CCHC; kế hoạch CCHC; kế hoạch kiểm soát TTHC; triển khai Kế hoạch về xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của sở;...
Nhờ vậy, việc thực hiện các TTHC đã trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây, cùng với số lượng TTHC thực hiện mức độ 3, 4 ngày càng tăng đã tăng cường mức độ hài lòng và được người dân, DN đánh giá cao; góp phần nâng cao Chỉ số cải CCHC; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)