14:49:51 | 6/9/2023
Bằng sự vào cuộc quyết liệt, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện công tác dân tộc, góp phần tích cực vào sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nâng cao vị thế của tỉnh. Xung quanh chủ đề này, Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Vi Thanh Quyền - Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc được tỉnh triển khai ra sao, thưa ông?
Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã chủ động, tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp với thực tế địa phương như: Chiến lược và Chương trình hành động công tác dân tộc đến năm 2020; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; Quyết định số 54 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020,... và hiện nay là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & miền núi (MN) giai đoạn 2021 - 2025.
Ban cũng tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách riêng: Ban hành 02 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh, giai đoạn 2016 - 2018 và giai đoạn 2019 - 2021; chính sách đầu tư xây dựng ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2022 - 2024; hỗ trợ kinh phí tổ chức nuôi dưỡng học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ học sinh, sinh viên là người DTTS tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học trình độ trung cấp, cao đẳng (mức 400.000 đồng/học sinh, sinh viên/tháng).
Ban còn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện: Tăng cường phân cấp cho UBND các xã làm chủ đầu tư phần lớn các nội dung của các chương trình, chính sách dân tộc, tạo sự chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện của các xã; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các sở, ngành liên quan tập trung nắm bắt tình hình triển khai tại cơ sở, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở, với phương châm tất cả các khó khăn, vướng mắc đều phải được giải quyết kịp thời; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại cơ sở.
Để thực hiện khâu đột phá chiến lược “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo hướng bền vững…” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban đang tham mưu, thực hiện giải pháp, đề án nào?
Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới (Quyết định số 787/QĐ- UBND ngày 31/7/2021 của UBND tỉnh), Ban đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 990/KH-UBND về Kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu: Phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tăng thu nhập cho người lao động vùng DTTS&MN.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 17%; số lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng và có thu nhập cao hơn đạt 80%. Giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho lao động là người vùng DTTS&MN là 40.800 người.
Cùng với đó là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Tổng số lao động vùng DTTS&MN cần được hỗ trợ đào tạo nghề theo Tiểu dự án 3, Dự án 5 là 6.000 người, trong đó cao đẳng 1.000 người, trung cấp 2.000 người, sơ cấp 4.000 và Đào tạo dưới 3 tháng là 6.000 người. Kết quả đến nay (tháng 7/2023) đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 7.793 người/14.480 người, đạt 53,8% kế hoạch.
Dân số Bắc Giang có 1,8 triệu người, trong đó có 14% là đồng bào DTTS. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, bao gồm có 36 xã, thị trấn thuộc khu vực I; 09 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 28 xã, thị trấn thuộc khu vực III; với tổng số 244 thôn đặc biệt khó khăn. Có 45 thành phần DTTS, trong đó có 06 DTTS có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng (gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay và Dao) chiếm 97,78%; còn lại 39 thành phần DTTS khác chiếm 2,22%. |
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI