09:11:11 | 5/9/2023
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), mở rộng quỹ đất sạch công nghiệp, Bắc Giang đã và đang nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) với nhiều dự án đầu tư chất lượng. Ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Giang đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang ký Quy chế phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh
Ông có thể cho biết những đóng góp của các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đối với phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung?
Hiện nay tỉnh Bắc Giang đang có 09 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 1.967ha. Trong đó, có 06 KCN đã thu hút đầu tư cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp với 466 dự án đầu tư (có 351 dự án FDI và 115 dự án DDI). Tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,624 tỷ USD và 18.364 tỷ đồng, hiện có 409 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng trên 175.000 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Các DN trong KCN đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, năm 2022 kinh tế của tỉnh Bắc Giang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước.
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mức tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Giang vẫn đạt 10,94%, đứng thứ 2 cả nước. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,7%; quy mô ước đạt 235.555 tỷ đồng. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trong KCN ước đạt 211.000 tỷ đồng, bằng 89,57% giá trị toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,14 tỷ USD, bằng 64,3% nhiệm vụ giao cả năm 2023 (giao 22 tỷ USD).
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh với mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh đầu tiên của cả nước, trong đó Bắc Giang quy hoạch đến năm 2030 có 29 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất khoảng 7.000ha. Khi các KCN được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào sự phát triển KT - XH của tỉnh Bắc Giang nói riêng và của cả nước nói chung.
Thời gian qua, Ban Quản lý đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào KCN ra sao nhằm tiếp tục cùng tỉnh Bắc Giang thu hút nhà đầu tư quy mô lớn, chất lượng vào địa bàn, thưa ông?
Trong những năm qua, công tác vận động thu hút đầu tư luôn được Ban Quản lý các KCN quan tâm. Chúng tôi tập trung thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt các cán bộ thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) phải nhiệt huyết, có trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các quy định, không được gây phiền hà, sách nhiễu DN trong thực thi nhiệm vụ. Các TTHC luôn được công khai, minh bạch về trình tự giải quyết. TTHC được thực hiện online, khi có kết quả DN mới đến nộp hồ sơ gốc và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của UBND tỉnh. Ban luôn nắm bắt và lắng nghe những ý kiến phản hồi, những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời tháo gỡ, giải quyết và đề xuất giải quyết theo thẩm quyền của các cơ quan, các ngành.
Do đó, các DN có quy mô lớn đều mở rộng nhà máy đầu tư tại Bắc Giang như: Tập đoàn Foxconn đầu tư vào Bắc Giang từ năm 2008 (đến nay đã có 10 dự án đầu tư) với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,3 tỷ USD; Tập đoàn JA Sola có 03 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 589 triệu USD, Tập đoàn Luxshare có 02 dự án, với tổng vốn đầu tư 364 triệu USD và nhiều DN khác.
Các dự án đầu tư vào Bắc Giang đa số là các dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện, điện tử và các sản phẩm phụ trợ ngành ô tô, xe máy, pin năng lượng mặt trời,... Đây là những nhóm ngành có giá trị gia tăng cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những tiềm năng, lợi thế, phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, nhưng có vị trí rất thuận lợi: Cách Hà Nội 50km, đi sân bay quốc tế Nội Bài 50 phút bằng xe ô tô, có các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Lạng Sơn 120km, cách cảng biển Hải Phòng 120km. Bắc Giang tập trung quy hoạch các KCN nằm trên các huyện có các tuyến đường quốc lộ chạy qua, đảm bảo giao thông đi các tỉnh, thành lân cận được thuận lợi.
Năm 2023, Bắc Giang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của một số KCN: Việt Hàn, Quang Châu, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng (phía Nam) và KCN Yên Lư, Tân Hưng; hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN theo kế hoạch; mở rộng quỹ đất sạch công nghiệp, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.
Tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển vùng và liên kết vùng đối với Vùng trung du và miền núi phía Bắc là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng. Tập trung xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng. Bắc Giang sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Công (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI