Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu thị trường lao động

11:05:37 | 3/9/2023

Qua nửa chặng đường thực hiện khâu đột phá “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, đến nay, nguồn nhân lực của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Ông có thể cho biết hiện nay mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sự đổi mới ra sao?

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền tập trung tổ chức thực hiện tốt lộ trình quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tích hợp trong Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN; xây dựng Đề án thành lập Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề miền núi Bắc Giang và hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh lộ trình phát triển các trường trung cấp trên cơ sở nâng cấp các Trung tâm GDNN-Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện.

Đến nay, tổng số cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh là 35 cơ sở, giảm 06 cơ sở so với năm 2020. Trong đó, trường cao đẳng tăng từ 02 cơ sở lên 05 cơ sở (thêm 03 cơ sở mới là: Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang; Cao đẳng miền núi Bắc Giang và Trường Cao đẳng Biên Phòng), 06 trường trung cấp, giảm 02 cơ sở (Trung cấp nghề miền núi Yên Thế và Trung cấp Y tế Bắc Giang), 15 trung tâm GDNN và 09 cơ sở hoạt động GDNN, giảm 07 cơ sở. Mạng lưới cơ sở GDNN được phân bố trên tất cả địa bàn các huyện, thành phố, bảo đảm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 cơ sở GDNN công lập để đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của doanh nghiệp (DN), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành lao động tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022), trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta trong thời gian tới được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Lao động Bắc Giang sẽ tập trung vào tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của GDNN trong phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, mở rộng quy mô, tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động và thanh niên tiếp cận với các dịch vụ GDNN. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%.

Hai là, tiếp tục tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN, đẩy mạnh xã hội hóa, gắn đào tạo với DN. Ngành tích cực chỉ đạo các cơ sở GDNN tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề. Liên kết với DN trong hoạt động GDNN, chú trọng đào tạo những ngành nghề trọng điểm, mời DN tham gia hội đồng trường, xây dựng chương trình giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở GDNN; tuyển dụng người học sau tốt nghiệp vào làm việc tại DN. Tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện quy hoạch nhằm phát triển hệ thống cơ sở GDNN, bảo đảm quy mô đào tạo các trình độ GDNN, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ba là, về cơ chế, chính sách và quản lý, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách GDNN theo quy định, chính sách đặc thù của tỉnh tại Nghị quyết của HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung đào tạo, phát triển ngành nghề phù hợp với ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, chính sách thu hút người học trung cấp và cao đẳng (trọng điểm là nhân lực trong dịch vụ ngành du lịch, thương mại, các khu công nghiệp,...). Xây dựng hệ thống thông tin quản lý về GDNN, kiểm tra, giám sát, thanh tra và kiểm định chất lượng GDNN, quản lý việc cấp chứng chỉ nghề. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực GDNN.


Đại biểu tham quan khu vực kết nối trực tuyến việc làm với người lao động 

Để cải thiện Chỉ số Đào tạo lao động cũng như đồng hành, hỗ trợ DN, nhà đầu tư, thời gian tới ngành sẽ bám sát vào những giải pháp nào?

Chỉ số Đào tạo lao động có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của  tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho DN chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương. Chỉ số thành phần về đào tạo các năm gần đây của tỉnh Bắc Giang được cải thiện về thứ hạng so với các năm trước, cụ thể: Năm 2020, Bắc Giang xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 xếp hạng 5/63 tỉnh thành phố.

Để cải thiện Chỉ số trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 20-KH/TU; Nghị quyết số 61/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 787/QĐ-UBND ngày 31/7/2021 của UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao chất lượng GDNN tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới và Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 08/10/2020 của UBND tỉnh về đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, ngành triển khai hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các chương trình về dạy nghề, việc làm thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, tạo thuận lợi cho DN tuyển lao động như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm (cả hình thức trực tiếp lẫn hình thức trực tuyến), tổ chức ngày hội việc làm tại UBND các huyện cho người lao động, cơ sở GDNN và DN tham gia. Phấn đấu năm 2023 tổ chức ít nhất 76 phiên giao dịch việc làm, thu hút 300 lượt DN tham gia tuyển dụng lao động, có 18.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tổ chức hội nghị đối thoại thực hiện chính sách pháp luật lao động với các DN, lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến về chất lượng nguồn lao động,… giúp nâng cao khả năng tuyển dụng lao động của DN. Tăng cường gắn kết, hợp tác với DN trong đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục phổ thông, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học theo chương trình 9+ tại các cơ sở GDNN.

Ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Rà soát, đề xuất cắt giảm quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (từ 30% trở lên) để giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN, người dân. Tiến hành cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) lên cổng dịch vụ công của tỉnh, website của Sở; đồng thời 100% TTHC của Sở đã được tạo mã QR theo từng lĩnh vực để DN, người dân dễ dàng tra cứu, sử dụng. Đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp và Hiệp hội DN tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho các DN trên địa bàn.

 Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Trang (Vietnam Business Forum)