10:52:01 | 3/9/2023
Tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, đặc biệt khai thác hiệu quả các sản phẩm lợi thế; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&CN - ông Nguyễn Hoàng Giang và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Lê Ánh Dương thăm gian trưng bày tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2020
Phát huy vai trò KH&CN
Những năm qua, Bắc Giang là điểm sáng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và nâng cao các chỉ số điều hành - quản trị địa phương. Đóng góp vào kết quả trên có vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhiều đề án, kế hoạch, chính sách được ban hành như: Kế hoạch về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng công nghệ sinh học giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;… đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, công cụ, mô hình, phương pháp quản lý tiên tiến, đạt giải thưởng chất lượng, có sản phẩm, hàng hóa công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn và áp dụng truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030.
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đi vào nề nếp và hiệu quả, trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương. Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu; hợp đồng tư vấn về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý cho doanh nghiệp... Đến nay, toàn tỉnh có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã cấp 1.284 giấy chứng nhận nhãn hiệu; 84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đã cấp 57 văn bằng bảo hộ độc quyền; 45 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, đã cấp 11 văn bằng bảo hộ độc quyền. Tỉnh cũng có 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 74 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực, đặc trưng, tiềm năng. Các sản phẩm đặc sản sau khi được xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đều nâng giá trị từ 10 - 15%, thị trường tiêu thụ được mở rộng; nổi bật, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Hội đồng sáng kiến tỉnh Bắc Giang tổ chức họp cho ý kiến, bỏ phiếu thông qua kết quả thẩm định, đánh giá hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh với hơn 1 ngàn sáng kiến được công nhận/năm. Việc xây dựng, triển khai phần mềm quản lý sáng kiến đã cung cấp thông tin, văn bản quy phạm pháp luật trong đăng ký xét phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh đối với sáng kiến; hỗ trợ cơ quan, đơn vị nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu, rà soát kết quả sáng kiến từng năm.
Hoạt động nghiên cứu có nhiều đổi mới, hướng tới nâng cao hiệu quả ứng dụng bằng việc tham mưu kiện toàn Hội đồng KH&CN tỉnh, điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực hơn. Các nhiệm vụ đều được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đặt hàng để giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng; đồng thời thực hiện tuyển chọn 100% các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho biết: Những năm tới, ngành sẽ ưu tiên triển khai nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới; tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ số… Đây cũng là những chủ trương lớn đang được tỉnh tập trung triển khai, thúc đẩy phát triển.
Các đại biểu thăm gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ, thiết bị mới của một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bắc Giang
Chắp cánh cho nông sản
Trong thời gian qua, Sở KH&CN có nhiều đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm, nhất là “chắp cánh” cho nông sản Bắc Giang thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN.
Các nhiệm vụ tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ngành đã chuyển giao nhiều giống, tiến bộ kỹ thuật mới, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho người dân tiếp thu, làm chủ quy trình công nghệ. Các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, rau Yên Dũng, ba kích Sơn Động, na dai Lục Nam, dứa Lạng Giang, vú sữa Tân Yên,... đều có đóng góp quan trọng của KH&CN; giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm. Các nhiệm vụ trên đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đồng bào khu vực nông thôn và miền núi.
Năm 2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thông qua một dự án KH&CN cấp quốc gia. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh, cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác quy hoạch lại các vùng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; định hướng phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế sinh thái để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng, xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thành công các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất theo chuỗi giá trị; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tập trung vào khâu trồng, bảo quản nông sản, công nghệ sau thu hoạch, sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống,…
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu - ứng dụng trọng tâm về công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y tế, bảo vệ môi trường, xây dựng.
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang - ông Nguyễn Thanh Bình kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm một số giống bơ tại huyện Lục Ngạn
Nâng cao tiềm lực KH&CN
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn ưu tiên và tập trung nguồn lực phát triển KH&CN; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, nhất là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển KH&CN. Đồng thời, tỉnh có nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động KH&CN, tập trung vào các lĩnh vực: Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Sở cũng đã kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học với đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm, phát huy tối đa thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát huy vai trò Sàn giao dịch công nghệ ảo để tạo điểm đến giao dịch công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, nhà khoa học; là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ. KH&CN đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của kinh tế và khoa học kỹ thuật của tỉnh, giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp luôn đạt tăng trưởng cao, ngành sản xuất công nghiệp đã sản xuất ra nhiều sản phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước. Doanh nghiệp sử dụng lao động KH&CN qua đào tạo được nâng lên, đáp ứng hoạt động đổi mới công nghệ nhất là đối với lĩnh vực điện, điện tử, máy tính, điện thoại di động thông minh.
Bắc Giang đặt quan điểm phát triển KH&CN không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn cần động lực và sự phối hợp chặt chẽ từ khu vực tư nhân, hướng đến phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao trong quản trị, tỉnh đã và đang là điểm đến của hàng loạt các doanh nghiệp công nghệ lớn. Những kết quả đó sẽ là tiền đề để KH&CN tạo những bước bứt phá mới.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI