Quy hoạch, quản lý quy hoạch tốt là nền tảng thu hút đầu tư

09:44:11 | 20/9/2023

Xác định quy hoạch, quản lý quy hoạch tốt là nền tảng thu hút đầu tư, ngành Xây dựng Hà Giang đã thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, nhà ở và thị trường bất động sản. Đồng thời, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính (TTHC) tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đã có cuộc trò chuyện với phóng viên xung quanh nội dung này.

Ông có thể nêu tổng quan những kết quả đạt được trong công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc thời gian vừa qua và định hướng trong những năm tiếp theo?

Quan điểm xuyên suốt của Hà Giang là công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc phải mang tầm chiến lược, gắn với định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quy hoạch phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, thân thiện môi trường; đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị và khẳng định bản sắc đô thị, kết nối trung tâm giữa đô thị và khu vực nông thôn.

Thời gian vừa qua, ngành Xây dựng đã thực hiện triển khai lập các đồ án quy hoạch đô thị (trung tâm 11 huyện, thành phố có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt; đối với TP.Hà Giang đã phê duyệt 09 đồ án quy hoạch phân khu); quy hoạch khu chức năng (tổ chức lập 03 đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng và 09 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng); hướng dẫn UBND các huyện lập quy hoạch nông thôn. Thực hiện phối hợp triển khai lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định: Mở rộng mạng lưới, kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại và đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại.

Về định hướng trong những năm tiếp theo, ngành Xây dựng tỉnh xác định:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, phê duyệt đồng bộ các loại, cấp độ quy hoạch xây dựng phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch sử dụng đất.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang mang tính đặc sắc riêng, phù hợp với giá trị sẵn có về cảnh quan tự nhiên núi rừng và các đặc trưng của từng khu vực, phù hợp với kiến trúc bản địa và phong tục, tập quán của từng địa phương.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý quy hoạch, kiến trúc, trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi.

Thứ tư, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng; chương trình phát triển đô thị nhằm phát huy vai trò tham gia quản lý, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị.

Thứ năm, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc.


Tỉnh Hà Giang xác định quan điểm đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Ngành đã tham mưu thực hiện các giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động xây dựng nhà và thị trường bất động sản, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật?

Về công tác quản lý hoạt động xây dựng: Việc thẩm định dự án, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, tham gia ý kiến thẩm định dự án và tham gia ý kiến đề xuất chủ trương đầu tư được đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của dự án, tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Thực hiện nghiêm các kết luận của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm tra nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng.

Công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản: Triển khai thực hiện các công việc về quản lý nhà ở và thị trường bất động sản; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tổ chức lập, trình UBND tỉnh phê duyệt và chủ trì triển khai Quyết định số 2223/QĐUBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;...

Công tác quản lý phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật: Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 02/3/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.                  

Để tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC, ngành Xây dựng đã có những cải cách ra sao?

Chỉ số CCHC năm 2022 của Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đạt 85,02 điểm; xếp loại tốt; riêng chỉ số thành phần cải cách TTHC thuộc nhóm xuất sắc, đạt 26,44/29 điểm, đạt 91,17%.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022, trong năm 2023 Sở Xây dựng xác định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC, nâng số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đi kèm với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từ đó tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến. Bên cạnh đó, xác định việc hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách TTHC là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành của cán bộ, công chức và người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong thực thi công vụ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Khang (Vietnam Business Forum)