Khoa học và công nghệ: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

10:06:29 | 19/9/2023

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh nhanh và bền vững, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được giao, ngành KH&CN tỉnh Hà Giang tập trung triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phù hợp với thực tiễn sản xuất của cả các ngành, lĩnh vực và đời sống. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa.


Ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Giang

Những kết quả nổi bật

Ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Giang cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ KH&CN; sự phối hợp của các ngành, các địa phương trong tỉnh, hoạt động KH&CN có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có nhiều đổi mới trong việc xác định và triển khai nhiệm vụ; kết quả nghiên cứu KH&CN đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu. Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN từ tỉnh đến huyện đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tiễn…”.

Riêng năm 2023, ngành KH&CN tiếp tục quản lý 43 nhiệm vụ KH&CN, trong đó 39 nhiệm vụ cấp tỉnh (27 nhiệm vụ chuyển tiếp, phê duyệt mới 12 nhiệm vụ); 02 nhiệm vụ cấp cơ sở, 02 nhiệm vụ cấp Bộ thuộc chương trình nông thôn miền núi được ủy quyền. Phối hợp quản lý 06 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi và cấp thiết phát sinh địa phương. Tổ chức thẩm định 10/12 nhiệm vụ (đạt 140% so với cùng kỳ năm trước; đạt 83% kế hoạch năm); nghiệm thu cấp tỉnh 05 nhiệm vụ. Tổ chức họp tư vấn xác định 03 nhiệm vụ năm 2023; kiểm tra tiến độ thực hiện 08 nhiệm vụ; ký hợp đồng thực hiện 03 nhiệm vụ; bàn giao kết quả 08 nhiệm vụ cho các đơn vị. Các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN bám sát các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh Hà Giang như văn hóa du lịch, nông nghiệp chất lượng cao và các vấn đề bức thiết của đời sống xã hội. Song song đó, tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách trong thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo, y tế,...

Nhiều đề tài, dự án được ứng dụng kịp thời, rộng rãi và có hiệu quả rõ rệt vào thực tiễn sản xuất, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang” đã điều tra và xác định được 100 cây chè cổ thụ đầu dòng; quần thể chè Tây Côn Lĩnh được công nhận quần thể di sản; đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè shan tuyết cổ thụ gắn với phát triển du lịch; đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh sản xây dựng mô hình phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang”,…

Về lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ngành KH&CN cũng đã nghiên cứu và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành khoa học, nghiệm thu, bàn giao đề tài “Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thông tin thông minh tỉnh Hà Giang” giúp xây dựng hệ thống thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu thông minh cấp tỉnh; hệ thống giám sát, bảo mật thông tin; phần mềm tích hợp thu thập, phân tích, dự báo và quản lý thông tin thông minh cấp tỉnh phục vụ việc ra quyết định quản lý cho lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Tham mưu phê duyệt Đề tài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng hệ thống hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hà Giang”.


Đoàn chuyên gia khoa học công nghệ của Trung ương và tỉnh Hà Giang kiểm tra định kỳ đề tài Nghiên cứu thực trạng suy thoái và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Cam Hà Giang

Đáng chú ý, nhằm tạo

điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp/hợp tác xã (DN/HTX), tổ chức kinh tế và người dân phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đầu năm đến nay, ngành KH&CN hỗ trợ 53 DN/HTX, hộ sản xuất thuộc các lĩnh vực: Chuyển đổi số tại 14 DN/HTX; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại 15 DN/HTX; hỗ trợ triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại 06 DN; thực hiện đề án quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại 18 HTX, hộ sản xuất. Ngành cũng tích cực khuyến khích, đồng hành cùng các DN đầu tư nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ sản xuất có quy mô phù hợp góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công nghệ chế biến chè xuất khẩu; công nghệ sấy và chế biến thảo quả, công nghệ lên men các sản phẩm từ tỏi; công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất nấm đông trùng hạ thảo,...

“Việc hỗ trợ DN nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản (tem QR code) được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận hơn với khách hàng” - ông Phan Đăng Đông chia sẻ.

Ngoài ra, trong lĩnh vực du lịch, ngành KH&CN tổ chức nghiệm thu, bàn giao Đề tài ‘‘Nghiên cứu thử nghiệm lựa chọn vật liệu xây dựng và công nghệ thi công phục vụ bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc nhà trình tường trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” giúp xây dựng 01 mô hình nhà trình tường phù hợp với văn hóa người Mông tại Đồng Văn. Với việc lựa chọn được công nghệ phù hợp xây dựng nhà trình tường của người Mông sử dụng vật liệu địa phương, khắc phục được những hạn chế của nhà trình tường tại Việt Nam, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần lưu giữ, phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Để KH&CN là “bệ đỡ” cho phát triển

Ông Phan Đăng Đông chia sẻ: “Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng tỉnh Hà Giang cũng vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT - XH của tỉnh. Công tác tổ chức triển khai thực hiện một số chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN còn chậm tiến độ. Nguồn nhân lực KH&CN tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất ít. Việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động KH&CN còn ít, đặc biệt chưa có nhiều DN quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ vào sản xuất,…”.

Trong thời gian tới, để KH&CN thật sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển KT - XH, ngành tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện 09 chương trình, đề án, kế hoạch lĩnh vực KH&CN phù hợp với điều kiện và chiến lược phát triển của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống để phát triển, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương.

Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN, tăng cường công tác quản lý đối với các đề tài, dự án chuyển tiếp, phấn đấu 100% đề tài, dự án hoàn thành đúng tiến độ. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN từ khâu đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ đến việc tuyển chọn, tổ chức thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, nghiệm thu; chuyển giao kết quả đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống. Nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến thẩm định công nghệ dự án đầu tư, thẩm định cơ sở khoa học đối với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KT - XH.

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới để dần dần tạo ra thị trường công nghệ. Khuyến khích các DN tham gia chợ thiết bị công nghệ Techmart để có điều kiện mua bán và quảng bá công nghệ, thiết bị. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, DN xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua thực hiện Quyết định số 844/QĐ/TTg ngày 18/5/2016, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/02/2021, lấy DN làm trung tâm và kết nối, chủ động phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh.

Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)