Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng

09:26:12 | 19/9/2023

Tỉnh Hà Giang luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác thu hút đầu tư, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại. Trong đó, hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) đã ghi dấu ấn đổi mới với các giải pháp căn cơ, thiết thực và chính sách ưu đãi cụ thể, minh bạch. Ông Lương Văn Đoàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã chia sẻ với Vietnam Business Forum về nội dung này.

Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh Hà Giang thời gian qua?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 xác định quan điểm và mục tiêu thu hút các nguồn lực trong, ngoài nước nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, từng bước xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng.

Cụ thể, mục tiêu thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN). Phấn đấu nâng bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ trung bình lên khá và tiến tới nằm trong top đầu cả nước. Thu hút tổng vốn đăng ký đầu tư thực hiện dự án khoảng 25.000 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình khoảng 6,5%/năm), trong đó tập trung thu hút từ 10 - 15 dự án có quy mô vốn đầu tư từ 500 tỷ đồng/1 dự án trở lên. Tổng vốn giải ngân thực hiện đạt trên 60% tổng vốn đăng ký; vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 5% tổng vốn đăng ký đầu tư.

Năm 2022, các hoạt động XTĐT của tỉnh được thực hiện tích cực với kế hoạch bài bản và đạt được kết quả khá tích cực. Tỉnh Hà Giang đã thực hiện cung cấp thông tin quy hoạch, hỗ trợ NĐT nghiên cứu khảo sát địa điểm thực hiện dự án đầu tư cho 41 DN và ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Erex Nhật Bản. Đôn đốc, giải quyết và hoàn thiện thủ tục đất đai 08 dự án, môi trường 08 dự án và cấp phép khai thác mặt nước 04 dự án; cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 18 dự án với tổng vốn đăng ký 2.880,36 tỷ đồng.


Ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Hà Giang đã xây dựng chương trình XTĐT chủ động, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực, định hướng phát triển của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

Hoạt động XTĐT tập trung thực hiện 03 đột phá chiến lược của tỉnh, trong đó tập trung bố trí các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (KT - XH), nhất là hạ tầng giao thông có tính kết nối vùng và liên vùng; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Ưu tiên XTĐT có tính liên kết vùng, lồng ghép với xúc tiến thương mại và du lịch, tập trung vào các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư, các dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của các NĐT hiện hữu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Đồng thời, từng bước đổi mới công tác XTĐT theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả; chuẩn bị các điều kiện cần thiết và chủ động mời gọi, tiếp cận NĐT vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; thường xuyên đối thoại với NĐT để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho DN, qua đó tạo niềm tin cho NĐT. Định hướng thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sau:

(i) Lĩnh vực nông, lâm nghiệp: Thu hút các dự án đầu tư liên kết tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa; ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ phát triển các vùng trồng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc trưng của tỉnh (chè, cam sành, mật ong, bò, dược liệu,...); sản xuất nông nghiệp đặc trưng hàng hóa phục vụ du lịch địa phương.

(ii) Lĩnh vực du lịch, dịch vụ: Thu hút các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc; các dự án du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh; thu hút đầu tư hạ tầng du lịch; các dự án đầu tư xây dựng điểm dừng chân, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh, theo hướng tiếp cận các cụm, ngành du lịch của tỉnh. Thu hút đầu tư các dự án dịch vụ, logistics vào khu cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, cửa khẩu Xín Mần và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

(iii) Lĩnh vực công nghiệp: Thu hút các dự án đầu tư chế biến nông, lâm sản gắn với tham gia trồng rừng sản xuất và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ thân thiện môi trường.

(iv) Lĩnh vực hạ tầng đô thị: Thu hút các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới, các dự án hạ tầng đô thị thông minh tại TP.Hà Giang, trung tâm các huyện, khu trung tâm các xã, thị trấn theo quy hoạch.

(v) Lĩnh vực khoa học, công nghệ: Thu hút các dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số; các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu vào các lĩnh vực đột phá của tỉnh.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai và tham mưu UBND tỉnh thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Để tạo bước đột phá mới trong thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; thu hút đầu tư các dự án trong nước và nước ngoài phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển KT - XH theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch,…) để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, khai thác được các lợi thế cạnh tranh, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường.

Chủ động, phối hợp với VCCI, Trung tâm XTĐT phía Bắc - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tiềm năng mở rộng hợp tác đầu tư đối với các DN, NĐT có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất trong các ngành, lĩnh vực mà Hà Giang có nhiều thế mạnh phát triển như nông, lâm nghiệp, dược liệu, du lịch, kinh tế biên mậu,... Ưu tiên thu hút các NĐT ở các quốc gia cùng các thành viên của các tổ chức kinh tế, thương mại, đầu tư mà Việt Nam cũng là thành viên như: Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Lập cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác XTĐT của tỉnh, gồm: Dữ liệu về cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; thông tin về các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của các khu kinh tế, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất; dữ liệu về định hướng, chính sách phát triển KT - XH, ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư,... Thường xuyên cập nhật trên website XTĐT tại địa chỉ http: http://investhagiang.vn dữ liệu theo dõi các dự án đã và đang thu hút đầu tư, phản ánh các khó khăn, vướng mắc của các dự án trên trang thông tin dự án đầu tư tại địa chỉ: duandautu.hagiang.gov.vn; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để NĐT tiếp cận, cập nhật thông tin, dữ liệu đầu tư của tỉnh.

Tích cực tổ chức, nghiên cứu tham gia các chương trình, hội nghị, hội thảo XTĐT, xúc tiến thương mại và du lịch do các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khác tổ chức. Duy trì và mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương trong và ngoài khu vực; tăng cường các hoạt động đối ngoại với các đối tác nước ngoài.

Đẩy mạnh hoạt động XTĐT “tại chỗ” thông qua việc phát huy vai trò của tổ công tác liên ngành trong việc thường xuyên đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các NĐT, DN triển khai các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,... Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, DN và NĐT trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách đầu tư và khảo sát, đánh giá địa điểm đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Bình (Vietnam Business Forum)