Hải Dương: Bảo đảm an toàn bữa ăn của người lao động

08:59:32 | 18/9/2023

Là tỉnh công nghiệp, có lượng lớn công nhân nên thời gian qua, Hải Dương đặc biệt quan tâm đến hoạt động cung cấp thực phẩm, suất ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe người lao động. Đây cũng là nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đặt lên hàng đầu.


Nhân viên của Công ty TNHH Nhân Tâm (hoạt động cung cấp suất ăn công nghiệp) thực hiện nấu ăn tại bếp ăn của doanh nghiệp đối tác

Tỉnh Hải Dương hiện có 10 KCN và nhiều cụm công nghiệp đang hoạt động, nằm rải các tại 12/12 huyện, thành phố, thị xã với số lượng lao động lên đến trên 200 nghìn người. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 140 doanh nghiệp tổ chức bếp ăn tập thể cho người lao động. Có thể thấy, để đảm bảo hoạt động cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn cũng như công tác ATVSTP là hết sức quan trọng.

Theo đó, hàng năm Chi cục ATVSTP tỉnh đều trình Sở Y tế và UBND tỉnh về kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc bảo đảm ATTP cả năm nói chung và kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể nói riêng.

Năm 2023, Chi cục được phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại 12 bếp ăn tập thể và 29 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp; năm 2022 là 26 bếp ăn tập thể và 29 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp.

Để tăng cường hơn nữa hoạt động này, Chi cục đã thực hiện việc giám sát việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể với tần suất 1 lần/năm nhằm sớm phát hiện các mối nguy, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong quá trình giám sát, Chi cục kết hợp lấy mẫu thực phẩm, nguyên liệu dùng trong quá trình chế biến để đánh giá nhanh một số chỉ tiêu như tồn dư dầu mỡ, tinh bột trên dụng cụ chứa đựng thực phẩm, độ ôi khét của dầu mỡ, hàn the, foocmon…

Điểm nổi bật trong thời gian qua là công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai thường xuyên và đồng bộ. Nhờ đó, trong năm 2022 và 8 tháng/2023, trên địa bàn tỉnh Hải Dương không xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào.

Bên cạnh công đó, Chi cục cũng tăng cường phổ biến các quy định mới về ATTP tại các doanh nghiệp. Theo đó, đơn vị thường xuyên đăng tải tin, bài trong các đợt cao điểm về ATTP trong năm như: Tháng hành động ATVSTP, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu để người sản xuất và người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn về vấn đề ATTP. Đồng thời, thường xuyên đăng tải và cập nhật các quy định mới, trình tự giải quyết TTHC, thông tin cảnh báo về sản phẩm có nguy cơ trên website để doanh nghiệp nắm được và thực hiện đúng quy định, đảm bảo ATTP cũng như thuận lợi trong việc giải quyết các TTHC.

Ngoài ra, hàng năm Chi cục cũng tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó cung cấp đến người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm các kiến thức như: Luật ATTP; các văn bản hướng dẫn, bổ sung liên quan về ATTP; cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn; ngộ độc thực phẩm, các biện pháp phòng chống và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm; các kiến thức về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATTP… Song song với đó, Chi cục cũng trao đổi, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Nam - Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP Hải Dương cho biết: Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch số 2962/KH-UBND ngày 29/10/2021 về “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025”, đến nay các sở, ban, ngành địa phương đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân công, phân cấp.

Công tác phối hợp liên ngành về ATTP đều được duy trì thường xuyên từ tuyến tỉnh đến địa phương, giữa các ban, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo ATTP các cấp trong các hoạt động: thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, phòng chống ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm...

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra ngày càng cao. Công tác hậu kiểm các sản phẩm do các cơ sở công bố và tự công bố kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm được các đơn vị triển khai thường xuyên. Đối với các mẫu thực phẩm xét nghiệm không đạt, các đơn vị đã kịp thời xử lý, cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tới người dân, đồng thời đề ra các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm được triển khai rộng rãi từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông. Vì vậy, trách nhiệm, kiến thức quản lý về an toàn thực phẩm của người quản lý được nâng cao; chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ý thức chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm; nhận thức và thực hành về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng được cải thiện.

Hải Dương hiện có 04 TTHC về lĩnh vực ATTP thuộc ngành Y tế quản lý. Các thủ tục đều đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4được tiếp nhận, trả kết quả thông qua Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh. Trong năm 2021, 2022, 100% các TTHC về ATTP được giải quyết đúng và trước hạn, không có đơn phản ánh, khiếu nại về giải quyết TTHC.

 Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)