10:45:54 | 10/9/2023
Với môi trường đầu tư được đánh giá cao, tỉnh An Giang đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới. Ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang đã chia sẻ về những kết quả trong thu hút đầu tư và nỗ lực của tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh An Giang thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Ông có thể cho biết kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh An Giang những năm qua?
Tính đến tháng 8/2023, tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư 658 dự án, gồm 619 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 105.686 tỷ đồng và 39 dự án FDI từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 305,9 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 11 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 103 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ hai với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 39 triệu USD; tiếp đến Nhật Bản với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD, còn lại các dự án đầu tư từ Thái Lan, Anh, Đan Mạch, Canada, Đức, Singapore, Philippines, Thụy Sỹ, Israel, Malaysia, Phần Lan, Somoa,… tạo việc làm cho 16.800 lao động.
Các dự án đầu tư đã đóng góp quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Ước tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 của An Giang đạt 5,08%/năm, riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 33,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 16,90%; khu vực thương mại và dịch vụ chiếm 45,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,41%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 03 năm 2021 - 2023 ước đạt 98.168 tỷ đồng, đạt 60% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XI đã đề ra. Kim ngạch xuất khẩu 03 năm 2021 - 2023 ước đạt 3.470,6 tỷ USD, đạt 66% so với Nghị quyết.
Tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới thời gian qua đã và đang tác động như thế nào đến kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh An Giang?
Là nền kinh tế có độ mở cao, những biến động của kinh tế thế giới vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Cụ thể, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nhẹ, lạm phát tăng cao dẫn đến cầu tiêu dùng thế giới giảm. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm da giày trên thế giới sụt giảm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này, khiến DN phải thu hẹp quy mô hoạt động, nhiều lao động mất việc, tăng áp lực cho hệ thống an sinh xã hội. Nhu cầu thị trường hàng hóa tăng chậm kéo theo nhu cầu vốn tín dụng, vốn đầu tư của xã hội,... tăng trưởng thấp.
Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào tăng làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống nhân dân. Giá vật liệu xây dựng thiếu ổn định đang gây khó khăn cho việc triển khai nhiều công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công;…
Trước những khó khăn dồn dập, nhiều DN buộc phải đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc,... Các nhà đầu tư thì chờ đợi các cơ chế, chính sách mới ban hành để nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới dẫn đến số lượng các dự án có quy mô lớn đăng ký giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 8 năm 2023, tỉnh đã tiếp nhận 17 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 28.139 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6, tỉnh An Giang chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 05 dự án với tổng vốn đăng ký là 172,1 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 02 dự án với tổng vốn đăng ký là 24.043 tỷ đồng.
Với các tác động bất lợi như vậy, tăng trưởng kinh tế tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 6,5%, không như kỳ vọng, nhưng đây là nỗ lực lớn của tỉnh An Giang trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn.
Trước những khó khăn trên, tỉnh An Giang đã có những giải pháp gì để hỗ trợ DN, thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi kinh tế, thưa ông?
Để tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang để tạo bước đột phá mới cho đầu tư phát triển tại vùng này, đặc biệt là phát triển kinh tế biên mậu.
Bên cạnh đó, nhằm tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN phục hồi và phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp. Cụ thể đó là: Kế hoạch về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Triển khai khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh An Giang năm 2023 nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thành lập Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang.
Môi trường đầu tư và kinh doanh của An Giang những năm qua đã được cải thiện rất nhiều, song thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI hàng năm chưa đạt như kỳ vọng. Ông có nhận định gì về kết quả này?
Quan sát các chỉ số PCI trong 4 năm lại đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, mặc dù tỉnh có nỗ lực cải thiện nhưng nhìn chung các chỉ số và trọng số thành phần PCI An Giang vẫn chưa ổn định và bền vững, năm nay cải thiện một chút nhưng năm tới bị giảm và ngược lại.
Tuy nhiên, việc các chỉ số thành phần giảm không có nghĩa là ngành phụ trách chỉ số đó không làm gì mà có thể là sự quan tâm, nỗ lực trong lĩnh vực chưa đủ so với kỳ vọng của DN hoặc cũng có thể là do tỉnh cũng cải thiện nhưng các tỉnh bạn có quyết tâm, giải pháp đột phá hơn nên kết quả tốt hơn. Vấn đề cốt lõi là sau mỗi lần bị tụt hạng, cần đánh giá khách quan để tìm giải pháp cải thiện.
Vậy giải pháp trọng tâm mà tỉnh An Giang sẽ thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện PCI trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Sau khi kết quả PCI năm 2022 được công bố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 24/5/2023 về tổ chức Hội nghị công bố kết quả PCI, DDCI tỉnh An Giang năm 2022. Tại Hội nghị, các sở, ban ngành phụ trách chỉ số đã cùng nhau nhìn nhận những mặt còn chưa tốt trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện những chỉ số giảm điểm, giảm hạng để góp phần trong việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trên cơ sở các nội dung được thống nhất tại Hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2023 và các năm tiếp theo với các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương sớm tham mưu Tỉnh ủy và HĐND ban hành Nghị quyết chuyên đề về “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư, hỗ trợ DN” đến năm 2025 để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị, đồng thời đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát
Thứ hai, chuẩn bị tốt “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư: Sẵn sàng về mặt bằng, quỹ đất sạch; Sẵn sàng cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, bến cảng, khu nhà ở công nhân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điện, nước,…); Sẵn sàng nguồn lực hàng năm (từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề cao) nhằm đáp ứng nhu cầu của DN; Sẵn sàng giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính (TTHC) cho DN, lấy sự hài lòng của DN làm giá trị cốt lõi; Sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát vị trí dự án đến khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh
Thứ ba, tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và DN.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, DDCI; coi trọng sự hài lòng của người dân trong công tác cải cách TTHC; tạo điều kiện để người dân, DN được tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ DN.
Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác tổ chức thực hiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh An Giang sẽ có sự cải thiện tốt hơn trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Văn (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI