An Giang: Biến khó khăn thành cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế

11:30:35 | 7/9/2023

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Những khó khăn và thách thức hiện nay cũng là cơ hội để nhìn nhận lại, tiếp tục điều chỉnh, tái cấu trúc mạnh mẽ hơn để nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt hơn, sức chống chịu cao hơn, hướng tới phát triển bền vững.


Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Nửa nhiệm kỳ vượt khó

Khái quát lại tình hình kinh tế - xã hội trong những năm qua, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh An Giang triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,45%, năm 2021đạt 0,95%. An Giang vẫn là một trong số các tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng dương. Đến năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và Chương trình phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,87%.

Tiếp đà phục hồi, trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 6,50%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (4,90%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,51%; khu vực dịch vụ tăng 8,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,62%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.959 tỷ đồng, đạt 59,64% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2023 đạt 581 triệu USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ.

Nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,76% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn phục hồi tích cực. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 42.637 tỷ đồng, tăng 17,40% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài năm 2022) đến hết 6 tháng đầu năm 2023 là 2.716.775 triệu đồng, đạt 33,44% kế hoạch vốn (cao hơn mức bình quân cả nước là 30,49%).

“Có thể thấy mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của An Giang khá tích cực. Đây là tiền đề vững chắc để tỉnh tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025”, ông Nguyển Thanh Bình chia sẻ.

Cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội

Ông Nguyễn Thanh Bình nhận định, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề, có tính quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 

Tuy nhiên, thách thức đối với An Giang là tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, hoạt động cầm chừng.

Song song đó, nguồn tài nguyên đất đai đã được khai thác hết công suất để sản xuất các sản phẩm chủ lực, trong khi đó việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm, chưa có nhiều sản phẩm mới, hướng đi rõ ràng; một số dự án trọng điểm, quy mô lớn chậm triển khai do vướng mắc về thủ tục pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng; khả năng huy động và khai thác các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển giảm so với những năm trước;...

Nhưng theo ông Nguyễn Thanh Bình: “Điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe của nền kinh tế mà ngành nông nghiệp là nền tảng, sản xuất công nghiệp chế biến là động lực mới cho phát triển, đồng thời tiếp tục duy trì niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong thời gian tới cũng xuất hiện nhiều tính hiệu tích cực, lạc quan.

Những khó khăn và thách thức hiện nay cũng là cơ hội tự nhìn nhận lại, tiếp tục điều chỉnh, tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nền kinh tế để có năng lực cạnh tranh tốt hơn, sức chống chịu cao hơn, hướng tới phát triển bền vững”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tặng Đảng bộ, nhân dân tỉnh An Giang, tháng 8/2023

Trước những khó khăn, thách thức như hiện nay, để cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh xác định cần sự nỗ lực và quyết tâm cao hơn dựa trên sự phấn đấu liên tục, bền bỉ cùng với những phải pháp đúng đắn, đồng bộ, căn cơ và hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể như:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành; đồng thời rà soát, nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chủ động, nâng cao chất lượng công tác tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy chế làm việc và quy định của pháp luật.

Hai là, khẩn trương hoàn thành, công bố công khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên 95% kế hoạch. Tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm khác.

Ba là, đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giải quyết các điểm nghẽn về thể chế và điều kiện hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. 

Năm là, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ và đạo đức công vụ. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sáu là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực và đẩy mạnh cải cách hành chính bằng những nội dung cụ thể: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức có tư duy nhạy bén với thời cuộc; dám nói; dám nghĩ; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 06;… Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các cấp, các ngành và địa phương.

Việt Văn (Vietnam Business Forum)