15:01:11 | 8/9/2023
Là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh An Giang, có 03 cửa khẩu tiếp giáp nước bạn Campuchia, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy thuận tiện, An Phú trở thành một trong những huyện giàu tiềm năng và đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú |
Huyện An Phú có diện tích tự nhiên hơn 226km2; phía Tây và Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài 42,5km; phía Đông giáp thị xã Tân Châu; phía Nam giáp ngã ba sông Hậu ở Châu Đốc. Địa thế của An Phú có vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế, án ngữ nơi đầu nguồn của sông Mê Kông khi từ Campuchia vào Việt Nam, nằm trên tuyến đường giao thông thủy nối liền các tỉnh miền Tây ven sông Hậu Việt Nam với Thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Với vị trí nằm ở đầu nguồn sông Hậu, An Phú có nhiều thuận lợi về nguồn nước, đất đai phù sa bồi đắp hàng năm nên có điều kiện phát triển về nông nghiệp, trong đó thế mạnh của huyện là sản xuất lúa, hoa màu và cá.
Bên cạnh đó, sự đa dạng về văn hóa của 04 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cũng là nền tảng quan trọng để huyện phát triển du lịch. Nơi đây có những lễ hội quen thuộc như: Lễ hội mùa nước nổi; Lễ hội văn hóa thể thao truyền thống 2/9; Những ngày văn hóa thể thao đồng bào Chăm,… và các địa danh như: Xóm Chăm, làng bè Đa Phước, khu sinh thái lòng hồ Búng Bình Thiên, giồng Cây Da với cây da trên 350 tuổi,... từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng sông nước cũng như du khách gần xa, thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi năm.
Gần đây, cầu Long Bình nối liền đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia cũng mở ra tiềm năng rất lớn cho du lịch, tạo đà phát triển cho địa phương. Đặc biệt, người dân ở đây vô cùng hiếu khách, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến đây để làm giàu, làm đẹp cho quê hương.
Hiện nay, việc lưu thông đường bộ từ TP.Châu Đốc đến An Phú và nước bạn Campuchia khá thuận tiện nhờ cầu Cồn Tiên và cầu Long Bình đã hoàn thành, tạo sự thông suốt giao thông với quốc lộ 91C đến 03 huyện Angkor Boray, Borey Cholsar, Koh Thum của 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc Vương quốc Campuchia. Tính theo đường bộ thì từ An Phú đi Thủ đô Phnom Penh của Campuchia là đường gần nhất từ Việt Nam đi sang nên tạo điều kiện tốt cho giao thương trong vùng.
Dưới sự lãnh đạo, sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, An Phú đã ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, từng bước đưa huyện nhà phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, huyện chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cầu hạ tầng then chốt.
Các lĩnh vực văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực thường xuyên được quan tâm, các trường học được xây dựng
khang trang. Công tác giáo dục phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường học và chất lượng đào tạo. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phát triển đa dạng, các di tích lịch sử được chú trọng bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Bên cạnh đó, huyện nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Các chính sách xã hội, an sinh phúc lợi được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Hiện nay, nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, An Phú đã có nhiều cơ chế, chính sách và hướng đi mới, tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh triển khai dự án, góp phần vào sự phát triển ổn định, lâu dài, bền vững.
“Với tinh thần luôn chào đón và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, thay mặt lãnh đạo huyện An Phú, tôi trân trọng mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và khả năng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Huyện cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.
Theo Chương trình hành động số 10-CTr/HU ngày 15/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm huyện An Phú giai đoạn 2021 - 2025, hiện huyện An Phú đang kêu gọi đầu tư 08 danh mục công trình trọng điểm sau: - Khu thương mại dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 2): Quy mô 13ha, địa điểm tại thị trấn Long Bình, vốn đầu tư 260 tỷ đồng. - Khu du lịch Búng Bình Thiên: Quy mô 706,8ha, địa điểm tại xã Nhơn Hội và xã Khánh Bình, vốn đầu tư: 600 tỷ đồng. - Khu đô thị mới thị trấn An Phú: Quy mô 17,04ha, địa điểm tại thị trấn An Phú, vốn đầu tư 450 tỷ đồng. - Khu dân cư đô thị Tây sông Hậu: Quy mô 30ha, địa điểm tại thị trấn An Phú, vốn đầu tư 300 tỷ đồng. - Khu dân cư Mương Tám Sớm: Quy mô 15ha, địa điểm tại xã Quốc Thái, vốn đầu tư 30 tỷ đồng. - Khu đô thị Cồn Tiên mở rộng: Quy mô 20ha, địa điểm tại xã Đa Phước, vốn đầu tư 200 tỷ đồng. - Khu dân cư Chợ Búng Bình Thiên: Quy mô 3,4ha; địa điểm tại xã Khánh Bình; vốn đầu tư 85 tỷ đồng. - Tuyến dân cư Cột Dây Thép: Quy mô 3,3ha, địa điểm tại thị trấn An Phú, vốn đầu tư 20 tỷ đồng. |
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI