09:40:31 | 19/9/2023
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nhanh chóng ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh,... ngành Công Thương Hà Giang đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh.
Cặp cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) thông xe 2 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế Việt – Trung, giúp mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại hai nước
Lĩnh vực thương mại là điểm sáng
Theo Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, từ đầu năm đến nay, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Đặc biệt do giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao; một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của tỉnh cũng bị thu hẹp về thị trường tiêu thụ; sự ảnh hưởng của điều kiện thời tiết có nắng nóng kéo dài và khô hạn nên các nhà máy thủy điện thiếu nước để phát điện,… tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp/hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Do vậy, 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 28,16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm đó vẫn có những điểm sáng vụt lên đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh.
Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt được những kết quả tích cực do cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; cặp cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long từng bước được khôi phục hoạt động đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư thương xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu được thuận lợi, nhanh chóng. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu ước đạt 159,5 triệu USD, đạt 69,3% kế hoạch.
Các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh, góp phần lưu thông phân phối hàng hóa trong tỉnh thông suốt, phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thị trường trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, không có hiện tượng lợi dụng tình hình để găm hàng đầu cơ trục lợi. Hoạt động du lịch sôi động kích cầu các nhóm ngành thương nghiệp, lưu trú, ăn uống, góp phần tăng giá trị tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng ước đạt 7.864,5 tỷ đồng, tăng 15,87% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 49,8% kế hoạch.
Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng, trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Giang sẽ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Công Thương đề xuất, kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp hoặc bị chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Xây dựng kế hoạch khảo sát nắm bắt các nội dung phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức hội nghị gặp mặt với các doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính để các doanh nghiệp/hợp tác xã tiết kiệm được tối đa thời gian và chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính của ngành. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh trên internet.
Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan đồng cấp của phía Trung Quốc để phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để tham mưu phương án giải quyết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo và cửa khẩu Đô Long (Trung Quốc) - Xín Mần (Việt Nam).
Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nội dung các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khắc phục các thách thức và tận dụng tốt các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI