Đưa Gia Lộc thành đô thị động lực kinh tế phía Tây Nam tỉnh Hải Dương

12:56:45 | 8/10/2023

Nằm giáp với TP.Hải Dương, có quốc lộ 37, 38B và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua, huyện Gia Lộc có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế. Địa phương đang tập trung phát triển toàn diện về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, tạo nền tảng đến năm 2030, đạt tiêu chí đô thị loại IV, trở thành một trong những đô thị động lực kinh tế phía Tây Nam tỉnh Hải Dương.


Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lộc khóa XXVI

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực

Ông Vũ Văn Cấp, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết: Cùng với thế mạnh nông nghiệp, Gia Lộc xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế huyện tăng trưởng khá và ổn định, đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - dịch vụ. Cơ cấu lao động trong các ngành: Nông nghiệp, thủy sản - Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch từ 24,8% - 48,1% - 27,1% năm 2020 đến 24,2% - 48,4% - 27,3% năm 2023 (mục tiêu là 23,3% - 48,9% - 27,8%). Gia Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Trong nông nghiệp, huyện đẩy mạnh thực hiện cơ cấu đi đôi với đổi mới phương thức tổ chức sản xuất. Toàn huyện có 64 vùng, tổng diện tích 925ha được tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, trong đó 37 vùng có tính chất ổn định lâu dài đang được duy trì với diện tích 565ha, trong đó có 15 vùng sản xuất theo quy trình VietGap; 01 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap đủ điều kiện xuất khẩu. Các vùng lúa chất lượng, vùng chuyên canh rau màu đem lại giá trị cao, năng suất lúa bình quân hằng năm đứng trong top đầu của tỉnh. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, thủy sản (đến năm 2023) là 672.459 triệu đồng.

Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 16,3%/năm (mục tiêu tăng 10,8%/năm). Một số ngành nghề tăng trưởng cao như: May mặc, in thêu, giày da, sản xuất chế biến nông, lâm sản,... Huyện đã tổ chức công bố và công khai Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Lộc, huyện Gia Lộc; giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Gia Lộc; thực hiện cơ bản xong việc bồi thường, hỗ trợ.

Năm 2021 - 2023 đã triển khai xây dựng 39 công trình do huyện làm chủ đầu tư. Tập trung giải phóng mặt bằng các công trình, dự án: Dự án khu đô thị phía Nam thành phố Hải Dương (phân khu 2), Khu dân cư số 3 xã Yết Kiêu, Khu dân cư mới xã Yết Kiêu, Khu dân cư Đồng Quang - Đức Xương, Khu dân cư số 1 (giai đoạn 2) xã Quang Minh và Khu Công nghiệp Gia Lộc.

Ngoài ra, lĩnh vực thương mại và dịch vụ phát triển tốt, giá trị dịch vụ tăng bình quân 10,8%/năm (mục tiêu Đại hội 10,3%/năm). Một số ngành tăng trưởng khá như: Các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn; thương nghiệp, sửa chữa ô tô, xe máy; vận tải, kho bãi thông tin liên lạc; tài chính tín dụng,…

Các hoạt động văn hóa xã hội tiếp tục được duy trì, phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Tăng cường thu hút đầu tư

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, giai đoạn 2020 - 2025 huyện Gia Lộc đặt mục tiêu quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội theo định hướng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Trong đó, lấy thị trấn Gia Lộc - đô thị loại IV là trung tâm và các đô thị loại V theo quy hoạch. Phấn đấu xây dựng Gia Lộc trở thành một trong những trung tâm kinh tế của tỉnh Hải Dương.

Để hoàn thành mục tiêu này, huyện xác định huy động và thu hút các nguồn vốn đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong nông nghiệp, Gia Lộc khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Gắn sản xuất với thị trường thông qua các mô hình liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn, làng nghề, sử dụng lao động tại chỗ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là đầu tư xây dựng siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí; các loại hình dịch vụ chất lượng cao như: Công nghệ - thông tin, viễn thông, y tế, giáo dục - đào tạo,... Tăng cường liên kết và khuyến khích các tổ chức, thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế dịch vụ.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản; đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Huyện Gia Lộc đang tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng để phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, hiệu quả, tiến đến hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2030, một trong những đô thị động lực kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Hải Dương. 

Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn. Công khai, minh bạch cơ chế tài chính, đất đai, chính sách tín dụng để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận vốn, đất đai kịp thời, hiệu quả theo cơ chế thị trường. Thực hiện tốt vai trò kiến tạo của các cơ quan nhà nước đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo; tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia cung ứng các dịch vụ công.

Cùng đó, thực hiện tốt bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch. Hiện huyện đã thực hiện xong quy hoạch xây dựng chung 17 xã nông thôn, hoàn thành chỉnh trang đô thị thị trấn Gia Lộc; hoàn thành phương án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, sẵn sàng tạo mặt bằng sạch, để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)