Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng bền chặt

09:47:13 | 18/10/2023

Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản cũng như kỷ niệm 20 năm Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Để tìm hiểu về những thành tựu đạt được trong quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Kinoshita Tadahiro - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây?

Kể từ năm 2000, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đại dịch, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể. Tôi rất vui mừng khi Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,02% vào năm 2022, nhanh chóng vượt qua tác động của Covid-19, cho thấy sức mạnh nền tảng của nền kinh tế Việt Nam.

Với GDP bình quân đầu người trên 4.000 USD, dân số xấp xỉ 100 triệu người, tầng lớp thu nhập trung bình của Việt Nam đang ngày càng tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong thành phố, các trung tâm mua sắm rực rỡ và những chung cư cao tầng được xây dựng nối tiếp nhau, cho thấy được cuộc sống của mọi người đang trở nên tốt hơn từng ngày.

Hệ thống pháp luật đã được điều chỉnh cho phù hợp với các quy tắc toàn cầu, thúc đẩy nới lỏng quy chế, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài trong quá trình ký kết Hiệp định đầu tư Việt Nam – Nhật Bản năm 2003 và gia nhập WTO năm 2007, chính là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, việc thúc đẩy thương mại tự do và tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua mở rộng xuất nhập khẩu cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một cứ điểm thích hợp cho ngành sản xuất.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với Chính phủ Việt Nam, ngoài sự ổn định về chính trị và xã hội, Chính phủ đã đưa ra các ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với các nước ASEAN láng giềng, cũng như khả năng quản lý nền kinh tế của Chính phủ bằng cách vừa kiểm soát lạm phát vừa đạt được tăng trưởng về kinh tế.

Với mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế thông qua công nghiệp hóa, Chính phủ đã tuyên bố trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm được công bố vào năm 2011, rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Tôi đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc này là nhờ niềm tin và sự nỗ lực không ngừng của người dân. 

Theo ông, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu gì trong 50 năm qua?

Một trong những thành tựu quan trọng nhất trong thương mại và đầu tư của hai nước trong 50 năm qua là Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Sáng kiến này được đưa ra vào năm 2003, là năm ký kết Hiệp định Đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, trên cơ sở đồng thuận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lúc đó là Ngài Võ Hồng Phúc đối với ý tưởng của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam lúc đó là Ngài HATTORI Norio, và đã được Thủ tướng hai nước ký kết.

Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được thành lập với cơ chế đối thoại chính sách giữa hai nước, có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh công nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Hai phía Nhật Bản và Việt Nam đã và đang thảo luận và hợp tác trên cơ sở bình đẳng, với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan từ phía Việt Nam, và cơ cấu toàn diện từ phía Nhật Bản thành lập bởi Liên đoàn các tổ chức Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), JCCI, JICA, JBIC và JETRO.

Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như kỷ niệm 20 năm Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Nhân cơ hội này, tôi xin bảy tỏ lòng biết ơn chân thành tới những người đã tham gia vào việc thiết lập Sáng kiến, cũng như những nỗ lực to lớn của tất cả những người đã tham gia vào từng giai đoạn của Sáng kiến này.

Thông qua các hoạt động trong 20 năm qua, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã dành 10 năm đầu tiên kể từ năm 2003 giúp góp phần: (1) Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách luật pháp, thuế và hải quan; (2) Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển điện, năng lượng, công nghiệp, nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản; (3) Ổn định vĩ mô về kinh tế và tài chính; và 10 năm tiếp theo kể từ năm 2014 đóng góp cho việc triển khai thực tế cơ chế chính sách, kế hoạch này.

Có thể kể đến một thành tựu cụ thể đạt được trong Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, đó là để giúp hoạt động thông quan tại Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, phía Nhật Bản đã hỗ trợ xây dựng, cải tiến và triển khai hệ thống công nghệ thông tin thông quan “NACCS”, hệ thống đã thực hiện các hoạt động thông quan hiệu quả của Nhật Bản. Kết quả là giúp rút ngắn thời gian xử lý từ khai báo đến phê duyệt tại hải quan Việt Nam, thực hiện hải quan phi giấy tờ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu và hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam lấy công nghiệp hóa làm trọng tâm.

Một ví dụ thành công khác, đó là hỗ trợ phát triển hạ tầng điện thông qua việc lập Quy hoạch điện 6 và 7, nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng do phát triển công nghiệp. Các hoạt động trong khuôn khổ của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã góp phần thực hiện các dự án vay bằng đồng Yên như dự án nhiệt điện Ô Môn, Nghi Sơn, Thái Bình, dự án thủy điện Thác Mơ, phát triển mạng lưới chuyển đổi và phân phối điện,... đóng góp vào việc triển khai hiệu quả cơ chế vận hành trong thời gian mất điện luân phiên và ứng phó trong thời kỳ điều chỉnh giá điện. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án PPP phát triển điện và thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua tăng đầu tư vào nhà máy.

Cho đến nay, với chức năng là một “hoạt động kiến tạo tương lai” giữa Nhật Bản và Việt Nam, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản sẽ còn giữ vai trò càng quan trọng hơn nữa đối với cả hai nước, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Tôi mong rằng, các chủ đề mà Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản sẽ giải quyết trong các giai đoạn tiếp theo sẽ được đặt ra trên quan điểm “hướng tới tương lai”, có thể nói là tạo ra một tương lai mới thông qua hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam dựa trên các xu hướng toàn cầu như GX, DX,… thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời phát triển và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban kinh tế Nhật - Việt (thuộc Keidanren) tổ chức cuộc họp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8, ngày 07/3/2023

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực nào tại Việt Nam, thưa ông?

Trong 20 năm qua, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam duy trì được tốc độ tăng đều đặn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ khoảng 40 tỷ USD năm 2000 lên khoảng 400 tỷ USD vào năm 2020. Trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, tỷ trọng đầu tư từ Nhật Bản trên tổng số tiền đầu tư đã tăng gấp đôi, từ khoảng 9% vào năm 2000 lên khoảng 16% vào năm 2020. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gần đây đã lên tới khoảng 2.000 hội viên, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động nhiều nhất trên thế giới.

Khoảng những năm 2000, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhằm tận dụng lao động giá rẻ và chất lượng cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các hoạt động đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ nhu cầu trong nước như đầu tư vào bán lẻ, phát triển thành phố thông minh, sản xuất năng lượng tái tạo cũng đã và đang được triển khai một cách tích cực, cho thấy mối quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhắc đến đầu tư từ Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến ngay các doanh nghiệp sản xuất như Canon, Honda và Panasonic. Các ngành sản xuất này đã tạo ra nhiều việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp. Hiện nay đã có những lãnh đạo người Việt Nam trong công ty được bồi dưỡng trở thành quản lý thay cho người Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã và đang nỗ lực đào tạo các nhà cung cấp nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây vừa là nhu cầu của phía các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời cũng chính là mối quan hệ bổ sung lẫn nhau mang lại lợi ích cho người dân và các doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức chuyển giao công nghệ, khiến cho quan hệ hai phía đến nay vẫn luôn không ngừng phát triển. Tôi mong rằng mối quan hệ hợp tác này sẽ ngày càng bền chặt hơn nữa trong tương lai.

Ông có thông điệp gì nhắn gửi đến Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp?

Các doanh nghiệp Nhật Bản rất may mắn có ưu đãi là được trao đổi trực tiếp với các bộ, ngành liên quan về các kiến nghị, nguyện vọng cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư thông qua khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành khác cũng cung cấp kênh đối thoại về các vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong từng thời điểm, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Tôi hy vọng sau này Việt Nam sẽ tiếp tục tạo các cơ hội đối thoại với Chính phủ như vậy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum