Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

15:23:26 | 14/10/2023

Nhằm chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới". Tại đây, nhiều sáng kiến, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường và tham gia chuỗi cung ứng…đã được các chuyên gia đề xuất.

Chia sẻ về đặc điểm lãnh đạo doanh nghiệp nữ Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trường Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết những năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ đã tăng lên nhanh chóng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Thống kê của CIEM cho thấy có hiện cả nước có hơn 20% chủ sở hữu SME là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa phần đều ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng của các công ty lớn.

 

Tại hội thảo, 24 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Tuyên bố ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs), thể hiện cam kết trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 174 doanh nghiệp Việt Nam đã ký Tuyên bố WEPs

Theo ông Cương, nguyên nhân của hiện tượng này do sức cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn yếu, đa phần làm các công việc có tay nghề thấp; thiếu nguồn vốn; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế…Chưa kể người phụ nữ phải gánh trên vai "trách nhiệm kép" vừa phát triển doanh nghiệp vừa chăm sóc gia đình, trong khi việc tiếp cận với các nguồn lực còn hạn chế. Về nguyên nhân khách quan, có thể thấy nước ta còn thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; chính sách can thiệp cân bằng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn thiếu và yếu….

Để vượt qua những rào cản này, ông Cương cho rằng bên cạnh sự trợ lực của Chính phủ, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, bản thân doanh nhân nữ cũng phải chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển; tham gia đối thoại, thường xuyên phản ánh vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như nêu sáng kiến, ý tưởng đóng góp thông qua các bộ phận một cửa tại các sở, ngành địa phương.

Ngoài ra doanh nhân nữ cũng phải chủ động tham gia các mạng lưới hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ để học hỏi kiến thức kinh doanh và nghề nghiệp, hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp khác; tích cực tiếp cận các khoá đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ pháp lý; tiếp cận các tổ chức trung gian hỗ trợ bao gồm các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, không gian làm việc chung, tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, quỹ đầu tư...

Còn theo bà Caroline Nyamayemobe - Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy ở các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn sẽ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cạnh tranh hơn. Chính vì vậy Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy các chương trình ưu tiên mua sắm từ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới, qua đó giúp tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới trong nước. Đây cũng một trong những yếu tố giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Lan - Quản lý Chương trình Tăng cường Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ WRT (UN Women Việt Nam) cho biết UN Women đã tiến hành một khảo sát trên 350 tổ chức, doanh nghiệp. Kết quả có hơn 70% doanh nghiệp cho rằng mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng nguồn cung và giảm tình trạng gián đoạn nguồn cung; 74% doanh nghiệp cho rằng mua sắm có trách nhiệm giới củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty; 70% doanh nghiệp áp dụng mua sắm có trách nhiệm giới để tăng cường đổi mới sáng tạo, nhạy bén và linh hoạt; 76% doanh nghiệp đồng ý rằng mua sắm có trách nhiệm giới nâng cao sự hài lòng của nhân viên, giữ chân nhân tài; 68% doanh nghiệp cho biết họ tận dụng mua sắm có trách nhiệm giới để tìm hiểu thêm về nhà cung ứng cũng như tìm hiểu rủi ro tiềm ẩn và cơ hội mới trong chuỗi cung ứng.

Cũng theo bà Lan, việc doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giúp tăng doanh thu và giảm chi tiêu mua sắm; mở rộng phạm vi nguồn cung và khả năng chống chịu; đổi mới sáng tạo hơn và khả năng thích ứng cao hơn cho phép các công ty đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng; tăng năng suất lao động, đổi mới và sáng tạo; tạo ra sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng; tăng uy tín nhãn hiệu và hình ảnh doanh nghiệp; giảm nguy cơ mâu thuẫn và tranh chấp… "Chúng ta có thể tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ bằng cách đa dạng nhà cung cấp thông qua mua sắm có trách nhiệm giới tại Việt Nam. Nếu phụ nữ được bình đẳng trong nền kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP" - bà Lan nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Cao Minh - Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng BIDV cho biết với nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới theo định hướng của Chính phủ, BIDV luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho SME do phụ nữ làm chủ bằng loạt giải pháp toàn diện. Theo đó nhiều năm qua, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi quy mô lớn để tiếp sức cho SME, trong đó có SME do phụ nữ làm chủ; đẩy mạnh Chương trình tài chính toàn diện dành cho SME do phụ nữ làm chủ; kết hợp nguồn viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD của Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân và nguồn vốn 3.000 tỉ đồng của BIDV; triển khai Chương trình "Chuyển đổi số cùng SME - SME Digitrans" tặng miễn phí phần mềm kế toán và quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp… Đặc biệt, BIDV còn ra mắt "Nền tảng số SMEASY - Giải pháp toàn diện dành cho SME" góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp SME nói chung - SME do phụ nữ làm chủ nói riêng

Mỹ Châu (Vietnam Business Forum)