Xây dựng nông thôn mới nâng cao: Thực chất và hiệu quả

15:25:34 | 6/11/2023

Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là vùng rốn nước hạ lưu châu thổ sông Hồng, là nơi chiêm trũng, khó canh tác. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Lục đã vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên vùng đất trũng, để ngày càng xanh hơn, đẹp hơn, khang trang hơn.

Năm 2019, Bình Lục được công nhận là huyện NTM. Với những hiệu ứng tích cực, trong 4 năm qua, chương trình xây dựng NTM nâng cao ở Bình Lục đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện. Đặc biệt là vai trò của HTX không chỉ thể hiện ở tiêu chí về tổ chức sản xuất mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Bình Lục, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

Xã An Ninh là một địa phương về đích sớm trong chương trình xây dựng NTM. Đóng góp vào kinh tế địa phương phải nhắc đến HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh với nhiều thành tích, luôn là đầu tàu trong việc hướng dẫn bà con thành viên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bà Hà Thị Lục, Giám đốc HTX chia sẻ, năm 2018, HTX với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên hoạt động sản xuất nông nghiệp trên diện tích hơn 289 ha, trong đó quy mô trang trại là hơn 10 ha, trồng cây cam đường là 5 ha. HTX đứng ra làm đầu mối liên kết sản xuất giữa các thành viên với các doanh nghiệp.

Nhưng, điều quan trọng nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế để nâng tầm thương hiệu cho nông sản do nông dân làm ra. Xã đã chủ động liên kết với các đối tác, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua nông sản xuất khẩu, phối hợp với các sở ngành của tỉnh Hà Nam để lập dự án sản xuất nông sản sạch, đăng ký chất lượng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…“Sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 của xã An Ninh đã được công nhận là sản phẩm an toàn, được chứng nhận sản phẩm VietGAP năm 2022. Các sản phẩm khác như bí đỏ, chuối ngự, bưởi Diễn… đã tham gia các hội chợ triển lãm của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đủ điều kiện đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử”, bà Hà Thị Lục thông tin.

Ông Lê Trọng Luyện, Bí thư Đảng ủy xã An Ninh chia sẻ, thu nhập bình quân năm của mỗi người dân đang ở mức gần 65 triệu đồng. Chất lượng sống của bà con ngày càng nâng cao và thực chất hơn, kinh tế hộ gia đình phát triển theo hướng bền vững, kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường.Đó cũng chính là căn cứ, cơ sở để chính quyền xã An Ninh mạnh dạn đăng ký với huyện, với tỉnh thực hiện thành công lộ trình xây dựng NTM nâng cao. “Chúng tôi tự tin xã sẽ về đích NTM nâng cao – động lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực của địa phương lên một tầm cao hơn nữa cả về chất và lượng. Ngoài sự quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính quyền, sự đồng lòng của bà con nhân dân là động lực lớn để hoàn thành nhiệm vụ đề ra”, ông Luyện khẳng định.

Có thể thấy, cùng với việc tự đổi mới, các HTX nông nghiệp đã tiếp cận nhiều hơn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: đào tạo tập huấn, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ máy móc, thiết bị cho sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm… Nhờ đó, nhiều HTX nông nghiệp đã chủ động liên kết sản xuất tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa lớn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2025

Đến nay, huyện Bình Lục đã có 2 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 2 xã được công nhận NTM nâng cao, 6 xã phấn đấu được công nhận NTM nâng cao năm 2023, còn lại các xã đều đạt từ 13-15 tiêu chí NTM nâng cao. Toàn huyện phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025. 6 xã trong huyện có sản phẩm được chứng nhận VietGAP và OCOP, 5 xã có sản phẩm truy xuất nguồn gốc, 4 làng nghề truyền thống có kế hoạch bảo tồn và phát triển. Toàn huyện có 62HTX trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Theo Bí thư Huyện ủy Bình Lục Lê Xuân Huy, xác định xây dựng NTM và NTM nâng cao là chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, vì vậy, thời gian qua, Bình Lục rất nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Theo đó, Đề án xây dựng huyện Bình Lục đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025 cũng đã được khẩn trương hoàn thiện với phạm vi thực hiện tại 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn; trong đó, 14 xã xây dựng Đề án NTM nâng cao; 2 xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện các tiêu chí theo quy định mới; thị trấn Bình Mỹ xây dựng đô thị văn minh; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Mỹ đạt chuẩn đô thị văn minh; 2 xã Vũ Bản và An Đổ hoàn thiện và duy trì xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, dịch vụ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng các mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm nhằm mục tiêu tăng thu nhập của người dân.

“Xây dựng NTM, NTM nâng cao là một chương trình lớn và toàn diện với độ phủ sóng rộng trên quy mô cả nước, chương trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Xây dựng một nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao là đích đến của không chỉ riêng Bình Lục mà còn của cả tỉnh Hà Nam”, ông Lê Xuân Huy cho hay.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Tùng Lâm  (Vietnam Business Forum)