Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp: Biến kế hoạch thành hành động

09:46:58 | 11/12/2023

Quá trình chuyển đổi xanh là một nỗ lực chưa từng có của các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu. Có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn. Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh. Xung quanh vấn đề này, Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) – ông Phùng Đức Tiến.

Thưa ông, tháng 9/2022, Bộ NN&PTNT phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững...Ông nhìn nhận vấn đề phát triển nông nghiệp xanh ra sao, có những thuận lợi, khó khăn gì?

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh như: Đất đai,khí hậu, đa dạng sinh học phong phú, nguồn nhân lực đông đảo có kinh nghiệm,hệ thống chính sách ưu đãi.Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đó là "Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn".

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn; sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để hội nhập trong kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Bộ NN&PTNT đang định hướng xây dựng những chính sách quản lý sử dụng tài nguyên hướng thân thiện với môi trường, nhấn mạnh vào 2 ngành có lượng thải carbon lớn của Việt Nam là chăn nuôi và trồng lúa.

Phát triển nông nghiệp xanh mà Việt Nam đang hướng đến là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt… Đặc biệt, sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp; nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng; yêu cầu phát triển bền vững chưa được quan tâm đúng mức; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư hóa chất trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tổn thất sau thu hoạch còn cao… Thực trạng này gây ra nhiều rủi ro cho môi trường và nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Nhìn thấy rõ những lợi thế, thách thức đó, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có những hoạch định cụ thể như thế nào để thúc đẩy nền nông nghiệp xanh?

Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang tích hợp “đa giá trị"…

Việt Nam cần có tầm nhìn và những bước đi táo bạo để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, trong đó tập trung vào chăn nuôi và trồng lúa; phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, an toàn, quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; phát triển sản xuất nông nghiệp xanh – sạch – an toàn – bền vững; xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái.

Đồng thời, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

Cùng với việc phải nhanh chóng khắc phục những yếu kém, hạn chế, Việt Nam còn phải làm gì để bắt kịp với những xu hướng của thế giới như sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thưa ông?

Ngoài việc phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, điểm yếu như đã nêu, nền nông nghiệp của Việt Nam cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề đang đặt ra, trong đó lớn nhất và thấy rõ nhất là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt, cực đoan, khiến điều kiện sản xuất bây giờ không giống như ngày xưa nữa rồi, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Biến động thị trường rất thường xuyên nhanh chóng. Nhiều thị trường mới mở ra theo các hiệp định thương mại, nhưng là vừa mở vừa đóng, nghĩa là phải đáp ứng đúng chuẩn mực, đòi hỏi rất khắt khe.... Có thể nói, biến động thị trường khó lường trước được.

Biến chuyển xu thế tiêu dùng cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt là xu thế tiêu dùng xanh của thế giới tương ứng với một cái nền kinh tế xanh. Bây giờ sản phẩm không chỉ dừng ở chất lượng với sản lượng mà còn là trách nhiệm xã hội để tạo ra, cho nên sản phẩm dù tốt, dù rẻ đến mấy mà gây tổn hại cho môi trường thì cũng không được thị trường chấp nhận. Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với COP26 đến năm 2050 chúng ta phải cân bằng “zero-carbon”, khu vực nông nghiệp cũng phải thực hiện quyết liệt để bảo đảm cam kết này.

Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, phải biến thành kế hoạch hành động của từng địa phương và sự thay đổi, quyết tâm thực hiện của từng người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc  (Vietnam Business Forum)