Công ty CP phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên: Hoà nhập cùng xu thế Khu công nghiệp xanh, bền vững

09:54:33 | 12/12/2023

Sự phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương phải có các giải pháp kịp thời, phù hợp. Chính vì vậy, việc xây dựng các Khu công nghiệp (KCN) “xanh” được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển các khu, cụm công nghiệp phù hợp với địa hình và tiềm năng phát triển của địa phương, Thái Nguyên luôn nỗ lực để hình thành hệ thống các khu công nghiệp với công nghệ sản xuất hiện đại, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.


Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty (28/08/2003 – 28/08/2023)

KCN Sông Công I là KCN tập trung đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, sau 20 năm xây dựng và phát triển (28/08/2003 – 28/08/2023) trải qua 2 lần chuyển đổi và 3 mô hình hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, tập thể CBCNV của Công ty đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào sự phát triển của KCN Sông Công I nói riêng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhất vùng Đông Bắc Bộ KCN Sông Công I là một trong những dự án được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao từng bước nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngoại khu nhằm thu hút được các nhà đầu tư đến với KCN.

Tại KCN Sông Công I thu hút các ngành nghề sản xuất chính như: nấu luyện phôi thép phế bằng lò điện trung tần, may mặc, điện phân kẽm từ quặng, sản xuất linh kiện điện tử... hiện có 66 dự án đang hoạt động; trong đó, có 59 dự án có hồ sơ môi trường. Thông qua kết quả quan trắc thì tất cả các chỉ số quan trắc tại các vị trí trong Khu công nghiệp Sông Công I đều nằm trong giới hạn cho phép về tiếng ồn và chất lượng môi trường không khí xung quanh.


KCN Sông Công I với các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy

Tính đến nay đã có 54 doanh nghiệp đầu tư vào KCN Sông Công I, có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 43 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Trong đó các dự án tiêu biểu như: Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG, Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico và Công ty cổ phần Thép Toàn Thắng với tổng diện tích 33,27ha.

Để phát triển KCN xanh, bền vững, Công ty tập trung xử lý tốt nguồn nước thải trong KCN, công ty đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải đồng bộ, có trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt quy chuẩn với công suất 2.000 m3/ngày/đêm xử lý triệt để nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất có chứa kim loại. Khu công nghiệp Sông Công I cũng hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị quan trắc online và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; tổng lưu lượng phát sinh nước thải của KCN Sông Công I khoảng 1.200 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi được xử lý có các thông số đạt QCVN 40:2011/BTNMT và được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên 24/24 giờ.

Sự hình thành của KCN Sông Công I đã mang lại an sinh xã hội trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh cũng như thu hút lượng lớn nguồn lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo điều kiện, phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển và gia tăng giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư tại KCN, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Việc tích cực chuyển đổi mô hình phát triển các KCN theo hướng “xanh”, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26. Tuy nhiên, để phát triển một KCN xanh, đa năng, trước tiên phải phát triển hạ tầng KCN thích ứng với đòi hỏi toàn cầu - đạt chuẩn mực về môi trường xanh, sạch, đặc biệt là hệ thống nước cấp, nước thải tuân thủ luật pháp cũng như yêu cầu của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, đòi hỏi của các nhãn hàng. Phát triển mô hình công nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, đặc biệt là chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái./.

Với những thành tích đạt được trong 20 năm qua, công ty vinh dự đón nhận nhiều khen thưởng của các cấp như: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2009; Bằng khen của Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư năm 2006, 2008; nhiều năm liền được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của UBND tỉnh Thái Nguyên và liên tiếp được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chứng nhận là doanh nghiệp bền vững…

Nguồn: Vietnam Business Forum