14:25:00 | 15/1/2024
Cùng với quyết tâm đổi mới, nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), tỉnh Tiền Giang đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm huy động mọi nguồn lực đưa kinh tế tăng tốc, bứt phá. Ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang cho biết.
Tiền Giang đã quyết tâm, nỗ lực ra sao để trở thành điểm sáng cả nước về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, thưa ông?
Nhằm chuẩn bị tốt cho Kế hoạch đầu tư công năm 2023, ngay từ kỳ họp giữa năm 2022, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 để các chủ đầu tư hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới để triển khai ngay từ những tháng đầu năm khi thời tiết thuận lợi.
Căn cứ Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và Nghị quyết số 50/NQ-HĐND, ngày10/12/2022 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3494/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho các sở, ngành, UBND cấp huyện với tổng số vốn 5.294 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã bổ sung 727,154 tỷ đồng nâng tổng số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 6.022,079 tỷ đồng; tăng 21,5% so với năm 2022.
Trong năm 2023, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023; trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, định mức theo quy định khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thực hiện tốt công tác đấu thầu, giám sát thi công công trình, quản lý dự án,…
Để tháo gỡ điểm “nghẽn” về mặt bằng, UBND tỉnh đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạm ứng vốn từ Quỹ phát triển đất để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo mặt bằng sạch, sớm thi công các công trình, dự án. Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành đối với các dự án trọng điểm nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng để đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đến ngày 11/01/2024 là 5.561,9 tỷ đồng, đạt 92,4% kế hoạch đã giao (6.022,1 tỷ đồng); nếu không tính số vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 là 200 tỷ đồng được Trung ương giao cuối năm 2023 có niên hạn giải ngân đến ngày 31/12/2024 thì hiện tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt 95,5% và đạt 112,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (4.954,9 tỷ đồng). Ước đến hết niên hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 (31/01/2024), tổng giá trị giải ngân là 5.812,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96,5% vốn đã giao (6.022,1 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Tiền Giang tiếp tục thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được này và tình hình thu hút đầu tư những năm gần đây?
Năm 2023, tỉnh thu hút thu hút 17 dự án với tổng vốn đăng ký 7.821 tỷ đồng, tăng 01 dự án, vốn đăng ký tăng 76% so với năm 2022. Có 9 dự án đăng ký tăng vốn 3.445 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thu hút năm 2023 đạt 11.266 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Kết quả này theo tôi là khá tích cực.
Trong các năm qua, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư; các sở, ngành, các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu để đầu tư tại địa phương. Ngoài ra, tỉnh nỗ lực thu hút các dự án mới và khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô dự án, thường xuyên cung cấp thông tin quy hoạch; minh bạch thông tin về đất công; công khai thông tin dự án mời gọi đầu tư; giá đất tạm tính để nhà đầu tư tham khảo; bố trí cán bộ am hiểu về chuyên môn để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, thủ tục và điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế; chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế… Các hoạt động này được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính và doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thu hút đầu tư của tỉnh đạt khá cao, trong đó thu hút đầu tư nước ngoai của đứng thứ 4 so với các tỉnh ĐBSCL sau các tỉnh Long An, Kiên Giang, Trà Vinh.
Từ tiềm năng, lợi thế định vị rõ nét sau Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt mở ra các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mới nào về thu hút đầu tư?
Quy hoạch tỉnh đề ra 04 khâu đột phá cần tập trung trong thời gian tới: (1) Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. (2) Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 3 vùng trọng điểm phát triển là (i) vùng kinh tế ven biển, (ii) vùng công nghiệp tập trung ở huyện Tân Phước và (iii) vùng kinh tế dọc sông Tiền. (3) Phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập. (4) Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đầu tư phát triển các trung tâm điều hành thông minh ở thành phố Mỹ Tho và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển đô thị thông minh tại thành phố Mỹ Tho, một số thị xã, thị trấn và các khu đô thị mới, với mũi nhọn là khu Công viên phần mềm Mekong.
Từ đó, Tiền Giang mở ra các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mới về thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: (1) Nông nghiệp; (2) Công nghiệp; (3) Thương mại, dịch vụ, du lịch; (4) Phát triển đô thị; (5) Kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng cấp nước, thoát nước, hạ tầng khu xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng, khoáng sản, cấp điện, hạ tầng thông tin truyền thông); (6) Phát triển hạ tầng xã hội; (7) Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học với nhiều dự án khả thi, được mời gọi đầu tư bằng nhiều hình thức để huy động tối đa các nguồn lực phục vụ nhu cầu đầu tư, thực hiện đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới; đáp ứng kỳ vọng của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Bên cạnh việc khơi thông mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, Tiền Giang cũng ngày càng coi trọng chất lượng, hiệu quả các dự án, quan tâm đến thu hút đầu tư xanh. Ông có thể chia sẻ cụ thể về vấn đề này?
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về việc lồng ghép nội dung chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; với chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh điều hành hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch hành động, cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chương trình hành động số 188/CTr-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU cùng với triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; nâng cao chất lượng tăng trưởng các ngành dịch vụ…
Đối với công tác thu hút đầu tư, bên cạnh việc khơi thông mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, Tiền Giang cũng ngày càng coi trọng chất lượng, hiệu quả các dự án, quan tâm đến thu hút đầu tư xanh. Tỉnh Tiền Giang ưu tiên các nhà đầu tư có dự án xanh, công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch; sẽ không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu về môi trường. Thu hút các dự án phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu như: Chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; tập trung phát triển, sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió; phát triển kinh tế biển, du lịch. Một số dự án đầu tư xanh lớn đã thu hút như: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (vốn đầu tư 4,464.54 tỷ đồng), Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (vốn đầu tư 2,241.9 tỷ đồng), hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Hydro xanh tại ấp Dương Hòa, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Tiền Giang là nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI