12:32:27 | 9/1/2024
Hiện nay, Kiên Giang là một trong những tỉnh đón du khách nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là “điểm sáng” trong bản đồ du lịch nước nhà. Để du lịch tiếp tục phát triển chuyên nghiệp, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Kiên Giang đang nghiên cứu, xây dựng nhiều phương án, kịch bản tăng trưởng du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực và cả nước.
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) được Travel Lemming (Hoa Kỳ) xếp vị trí thứ 6 trong danh sách 50 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
Khẳng định thương hiệu
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tỉnh Kiên Giang đang từng bước cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch, tích hợp quy hoạch phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch; thông thoáng trong xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch,...”
Không chỉ vậy, triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành đã cùng với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy Kiên Giang cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 03-NQ/TU. Đến nay, tỉnh đã thực hiện hiệu quả bằng các chương trình hành động, kế hoạch với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt.
Sau đại dịch Covid-19, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của Chính phủ, ngành đã có sự “trở mình” mạnh mẽ, là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đón khách quốc tế trở lại. Nhìn chung qua 10 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Kiên Giang vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với kế hoạch và so cùng kỳ. Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023, lượng khách du lịch bắt đầu có sự tăng mạnh trở lại, nhất là khách quốc tế. Riêng TP.Phú Quốc ước đón 5,7 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 555.000 lượt khách, tăng gấp 1,5 lần so cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 65% so cùng kỳ.
Việc kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước du lịch tỉnh với hội, hiệp hội, doanh nghiệp và khách du lịch cũng như kết nối doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch trong nước với các nhà phân phối, đại lý du lịch trực tuyến đã góp phần đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch, tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch bằng giải pháp số nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất. Không chỉ vậy, ngành cũng luôn chú trọng cải cách hành chính (CCHC), cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
Du lịch Kiên Giang trong những năm gần đây đã có bước phát triển nhanh, dần định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới như là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách. Hàng năm, tỉnh Kiên Giang đều đưa vào hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, có chất lượng cao, mang tầm cỡ quốc tế cùng với nhiều lễ hội văn hóa được nâng tầm và quy mô tổ chức, thu hút đông đảo du khách. Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (hiện đang xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa vào thực tiễn).
Hướng đến du lịch thông minh
Kiên Giang đã và đang phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, trên cơ sở lấy khách du lịch làm trung tâm. Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Bùi Quốc Thái nói: “Phát triển du lịch thông minh dựa trên cơ sở lấy cải cách và xây dựng thể chế, chính sách làm tiền đề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhân tố cốt lõi. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ kết nối đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với các mô hình đô thị thông minh trên địa bàn; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.”
Để phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững, ngành sẽ chú trọng vào 08 giải pháp cơ bản. Đó là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dịch vụ để phát triển du lịch thông minh. Áp dụng triệt để công nghệ, chuyển đổi số, chuẩn hóa quy trình, TTHC gắn với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO. Hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch, đẩy mạnh triển khai hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của ngành. Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động. Triển khai áp dụng rộng rãi các xu hướng, các phương thức kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ mới như mô hình điện toán đám mây (Cloud Computing), Big Data, Ứng dụng mobile, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots, Kết nối IoT, Thực tế ảo (Virtual Reality),… góp phần phát triển kinh tế số tỉnh Kiên Giang.
“Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với địa hình đa dạng: Biển đảo, rừng núi, đồng bằng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều nơi còn giữ được nét hoang sơ. Khách du lịch ngày càng tìm kiếm sự chân thực và tính bản địa, các hoạt động gắn với trải nghiệm khám phá thiên nhiên. Để gia tăng sức hút của du lịch Kiên Giang trong mắt du khách, tỉnh sẽ tập trung xây dựng Đề án phát triển TP.Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc thù, độc đáo phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng du lịch trong tỉnh; chú trọng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các đề án phát triển du lịch đã được tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao phù hợp với đặc thù tài nguyên du lịch của tỉnh” - ông Bùi Quốc Thái nói.
Công Luận (Vietnam Business Forum)