Dấu ấn ngành Ngân hàng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

09:49:02 | 26/1/2024

Năm vừa qua, ngành Ngân hàng tỉnh Bình Thuận đã bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục có sự phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Một năm nhiều “điểm sáng”

Năm 2023, trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức phải đối mặt, cùng với cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Thuận (NHNN tỉnh Bình Thuận) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Nhờ vậy mà nuồn vốn huy động và cho vay trên địa bàn tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm trước, trong đó các TCTD đã  tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên với mặt bằng lãi suất giảm dần gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến 31/10/2023, nguồn vốn huy động đạt 56.203,5 tỷ đồng, tăng 6,56% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 83.671,7 tỷ đồng, tăng 4,76% so với đầu năm; vốn tín dụng được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 73,73% tổng dư nợ.


Ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên giữa Agribank Bình Thuận- Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận- Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Thuận

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Việc cơ cấu lại TCTD gắn với công tác chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng được quan tâm triển khai thực hiện, đảm bảo hệ thống ngân hàng trên địa bàn phát triển ổn định, trong đó năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính các QTDND tiếp tục được nâng lên.

Giám đốc NHNN tỉnh Bình Thuận - ông Bùi Xuân Chỉnh cho biết, năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Nhằm đồng hành, hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm 2023, ngành Ngân hàng Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các  cơ chế, chính sách tiền tệ tín dụng có liên quan của ngành và địa phương; chủ động theo dõi, nắm bắt để xử lý, tham mưu xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Song song đó toàn ngành quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho khách hàng gặp khó khăn tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP gắn với thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay; phối hợp sở ngành liên quan triển khai: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP), Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng (cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023). Triển khai thực hiện nghiêm túc trần lãi suất thấp đối với cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên; thực hiện chính sách khách hàng về miễn, giảm lãi suất cũng như tăng cường tiết giảm chi phí để có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng chính sách.

Tuy nhiên bên cạnh sự trợ lực từ ngành Ngân hàng, theo ông Chỉnh, bản thân các DN cũng phải cố gắng tạo niềm tin cho ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn lãi suất thấp. "Hiện tại các TCTD đều ban hành tiêu chí xếp hạng DN theo hướng các DN được TCTD xếp hạng tín dụng càng cao thì được hưởng chính sách khách hàng càng nhiều ưu đãi (hạn mức tín dụng, lãi suất, biện pháp bảo đảm….). Do vậy, để có thể tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, ngoài việc đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định chung, các DN cần rà soát, tái cấu trúc hoạt động cho phù hợp, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Chủ động nắm bắt chính sách khách hàng để xem xét lựa chọn chương trình/sản phẩm tín dụng cho phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, đảm bảo tính minh bạch về tình hình tài chính để các TCTD có cơ sở áp dụng lãi suất  thấp theo lĩnh vực ưu tiên của NHNN cũng như chính sách khách hàng của TDTD" - người đứng đầu NHNN tỉnh Bình Thuận khuyến nghị.

Chủ động vượt thách thức, nâng cao năng lực hội nhập

Bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn rất nhiều thách thức ngành Ngân hàng Bình Thuận đang phải đối mặt, nhất là trong việc tăng trưởng tín dụng gắn với giảm tỷ lệ nợ xấu và giảm mặt bằng chung về lãi suất cho vay. Để vượt qua những khó khăn, thách thức hoàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thời gian tới Ngành ngân hàng Bình Thuận sẽ tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, trong đó chú trọng: phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - DN; phát huy tốt vai trò Tổ công tác trong việc nắm bắt, xử lý, tham mưu xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN. Chủ động huy động, đẩy mạnh cho vay theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ gắn với việc ứng dụng công nghệ, cải tiến lề lối làm việc, đơn giản hóa thủ tục cho vay; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng về cho vay nhà ở xã hội và Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng về cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn cũng như vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng: đẩy mạnh việc thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ lãi suất; nghiêm túc thực hiện quy định về trần lãi suất huy động, cho vay gắn với thực hiện chính sách khách hàng về miễn, giảm lãi suất cũng như tăng cường tiết giảm chi phí để có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay; phối hợp sở, ngành liên quan thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo Chương trình hỗ trợ DNNVV của tỉnh giai đoạn 2024-2026. Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 gắn với việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội trên toàn tỉnh; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, DN trước các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán;

 Để chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngành Ngân hàng tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tranh thủ hỗ trợ nguồn lực Hội sở chính cũng như từ NHNN để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng cũng như phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại gắn với  thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Đề án thanh toán qua ngân hàng ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ gắn với công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm trong hoạt động ngân hàng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, đúng pháp luật; đồng thời triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát TTHC của NHNN của ngành, địa phương,  nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân cũng như gia tăng lợi ích khi kết nối khai thác cơ sở dữ liệu.

Nguồn: Vietnam Business Forum