Lãi suất giảm, tín dụng vẫn chưa tăng

13:07:33 | 27/2/2024

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đang là vấn đề nóng được quan tâm hiện nay.

Nguyên nhân cơ bản của tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, là do sức hấp thụ vốn kém và tính mùa vụ. Tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết cổ truyền thì tín dụng không tăng. Bên cạnh đó, là do khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến tín dụng chững lại. Tăng trưởng tín dụng thấp là do nhiều yếu tố như vậy chứ không phải do cơ chế chính sách.

Ông Tú cho rằng, việc tín dụng giảm trong tháng đầu năm là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp như hiện nay và kỳ vọng dư nợ cải thiện trong thời gian tới khi tình hình kinh tế dần hồi phục. Ngoài nguyên nhân do kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng gặp khó bởi vấn đề pháp lý của nhiều dự án bất động sản chưa được tháo gỡ.

Mặt bằng lãi suất chưa bao giờ thấp như hiện nay

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế- NHNN cho biết, năm 2024 trên cơ sở mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đặt ra (tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát khoảng 4-4,5%), NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ngày 7/2/2024, NHNN tiếp tục ban hành công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, ngành ngân hàng luôn đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, song cần phải nhìn nhận rõ ràng, tín dụng là nguồn vốn bổ sung, không phải vốn chủ lực của doanh nghiệp, nguồn vốn trung dài hạn cần phải dựa vào thị trường vốn.

Hiện nay, hàng loạt các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với xu hướng giảm xuống ở tất cả các kỳ hạn. Thống kê của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong tháng 2/2024, lãi suất huy động trung bình cho kỳ hạn 6 tháng đang ở mức 4,11%, giảm 31 điểm cơ bản so với tháng 1/2024 và giảm 381 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2023. Còn lãi suất huy động trung bình cho kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,84%, giảm 22 điểm cơ bản so với tháng 1/2024 và giảm 359 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2023. Theo đánh giá, trong các tháng tới, nhiều khả năng lãi suất huy động vẫn tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, chưa bao giờ lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay. Chỉ một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện vay.

Quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có thêm những chính sách nhằm kích cầu, cùng với đó các địa phương cần tích hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, để các giải pháp của ngân hàng đạt hiệu quả cao, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, NHNN cần tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ ổn định, đồng thời hỗ trợ các TCTD trong việc kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản để các dự án nhanh chóng được triển khai.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quan điểm của NHNN là mở rộng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nếu điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, hoạt động của các NHTM lành mạnh, ổn định, đưa dòng vốn vào đúng đối tượng, mục đích, NHNN sẵn sàng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các NHTM cũng không nên cho vay bằng mọi giá mà cần hài hòa đảm bảo các yếu tố.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị các NHTM quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Đối với một số lĩnh vực cụ thể, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Đối với lĩnh vực bất động sản, tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp. Kịp thời cung ứng vốn cho những dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động… Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố.

Với lĩnh vực BOT, BT giao thông, ngân hàng cần tiếp tục theo dõi tình hình cấp tín dụng đối với các dự án cũ, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng đối với các dự án này. Đối với các dự án mới, ngân hàng chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

Các ngân hàng cũng cần nâng cao trách nhiệm thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hiệu quả; tăng cường đồng tài trợ đối với các dự án lớn, trọng điểm để tăng cường khả năng cung ứng vốn, chất lượng tín dụng…; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi…

Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)